Ngăn chặn tội phạm người nước ngoài

09:28 - Thứ Tư, 07/08/2019 Lượt xem: 7550 In bài viết
Những năm gần đây, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như tăng cường hội nhập quốc tế, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh để du lịch, làm việc, sinh sống… Tuy nhiên, nhiều đối tượng người nước ngoài đã lợi dụng việc này để thực hiện hành vi phạm tội. Liên tục trong thời gian gần đây, các đường dây cờ bạc do người nước ngoài tổ chức và phục vụ cho chính các đối tượng là người nước ngoài đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Chiều 27-7 vừa qua, hàng trăm chiến sĩ công an cùng lực lượng chức năng bất ngờ đột kích khu đô thị Our City ở TP Hải Phòng (khu dân cư chủ yếu là người Trung Quốc). Tại đây, phát hiện có khoảng 400 người Trung Quốc tham gia vận hành đường dây đánh bạc và số tiền giao dịch trên hệ thống tính toán sơ bộ lên đến hơn ba tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, kiến trúc các phòng bên trong khu đô thị cũng bị các đối tượng điều chỉnh, chia nhỏ thành nhiều phòng và lối đi lắt léo nhằm gây khó cho người lạ khi vào đây. Điều này cho thấy các đối tượng đã lên kế hoạch tổ chức rất kỹ lưỡng, bài bản.

Giữa tháng 6-2019, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an TP Đà Nẵng và Công an tỉnh Khánh Hòa phát hiện, triệt phá nhóm 77 đối tượng người Trung Quốc lưu trú tại Việt Nam sử dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc xuyên biên giới. Ngay tại Hà Nội, Công an quận Ba Đình đã phát hiện một tụ điểm tổ chức đánh bạc dưới hình thức chơi điện tử bằng xèng tại phường Cống Vị. Đây là tụ điểm do một số đối tượng là người Nhật Bản vận hành và chỉ phục vụ cho khách là người Nhật Bản. Bên cạnh đó, thời gian qua, một số ổ nhóm người nước ngoài sau khi nhập cảnh đã thuê các chung cư tại các khu du lịch ở Đà Nẵng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) làm nơi thực hiện hành vi lừa đảo qua điện thoại hoặc ăn cắp dữ liệu, làm giả thẻ ATM để rút trộm tiền. Những hành vi phạm tội này đều cực kỳ nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Trước thực trạng nêu trên, có thể thấy tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam thực hiện hành vi tội phạm đang trở nên phổ biến, không chỉ là một nhóm người hoạt động nhỏ lẻ như trước đây, mà các đối tượng đã tổ chức với quy mô lớn. Điều này cho thấy công tác quản lý của chúng ta đang tồn tại một số lỗ hổng cần khắc phục. Ngay từ công tác quản lý xuất, nhập cảnh cần phải có sự kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện ngay những đối tượng có biểu hiện nghi vấn, giữ được tinh thần cởi mở nhưng không “dễ dãi”. Vai trò kiểm tra, giám sát thường xuyên của cảnh sát khu vực, tổ dân phố, chính quyền phường, xã cơ sở phải được chấn chỉnh. Làm rõ trách nhiệm liên đới nếu có của các đơn vị kinh doanh du lịch nếu để xảy ra tình trạng khách du lịch nước ngoài bỏ trốn, ở lại. Phát huy vai trò của toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở trong phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các biểu hiện nghi vấn, làm trái pháp luật của người nước ngoài trên địa bàn. Làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi, thủ đoạn của người Việt móc nối, che dấu, tiếp tay cho người nước ngoài vi phạm pháp luật. Việc quản lý lưu trú của người nước ngoài ở các cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ... hay tại các khu dân cư, nhất là các khu chung cư, khu đô thị mới xây dựng phải được siết chặt.

Các đối tượng tội phạm sẵn sàng bỏ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để thuê lại các căn biệt thự, chung cư cao cấp. Khi đăng ký lưu trú, các đối tượng chỉ đăng ký một vài người nhưng thực tế lại lưu trú rất nhiều người. Nếu chủ cơ sở kinh doanh cố tình làm ngơ và cơ quan chức năng không thường xuyên kiểm tra, giám sát sẽ tạo điều kiện để các ổ nhóm tội phạm này hoạt động. Hiện nay, việc xử lý vi phạm đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do họ thường có thái độ không hợp tác. Nhiều trường hợp đối tượng vi phạm cố tình không xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc lợi dụng sự khác biệt ngôn ngữ để né tránh cơ quan chức năng. Cùng với đó, các chế tài về xử lý hành chính người nước ngoài trong thời gian qua, như lập biên bản vi phạm, buộc xuất cảnh… chỉ mang tính tạm thời, không xử lý triệt để vấn đề.

Để ngăn chặn, xử lý về lâu dài tình trạng nêu trên vì TTATXH và bảo vệ an ninh quốc gia, đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ riêng lực lượng công an mà còn cả sự quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp và người dân. Cần có quy định và biện pháp quản lý chặt các cá nhân, tổ chức khi ký hợp đồng cho người nước ngoài thuê bất động sản, để biết người thuê sử dụng vào mục đích gì. Sinh sống, học tập, hay kinh doanh? Khi có những biểu hiện bất thường như tụ tập đông người, thường xuyên ở trong phòng, đóng kín cửa, che rèm… cần báo ngay cho cơ quan chức năng mà gần nhất là công an phường, xã hoặc các công an phụ trách khu vực. Việc xuất hiện của những khu dân cư tập trung đông người nước ngoài sinh sống cũng cần có những biện pháp quản lý mang tính đặc thù... Có như vậy mới ngăn chặn hiệu quả tình trạng tội phạm nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top