Hai bờ Đại Tây Dương đối diện cuộc thương chiến mới

10:02 - Thứ Sáu, 04/10/2019 Lượt xem: 6163 In bài viết

Ngay sau khi được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) “bật đèn xanh”, ngày 2-10 (giờ địa phương), chính quyền Mỹ đã tuyên bố áp dụng thuế 10% đối với các máy bay Airbus do Liên minh châu Âu (EU) sản xuất và 25% đối với nhiều mặt hàng của khối này, một động thái được cho là sẽ châm ngòi cuộc thương chiến mới giữa hai bên.

Phán quyết gây căng thẳng

“Cuối cùng, sau 15 năm kiện cáo, WTO đã chấp thuận rằng Mỹ có quyền áp dụng các biện pháp để đáp trả các khoản tài trợ bất hợp pháp của EU”, The Economist dẫn lời Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố, chỉ vài giờ sau khi WTO cho phép Mỹ áp thuế quan lên 7,5 tỷ USD hàng hóa EU mỗi năm. 

Động thái áp thuế mới của Mỹ được cho là đã châm ngòi cuộc chiến thuế quan mới giữa Mỹ và EU. Ảnh: John Thys.

Đây là diễn biến mới nhất trong vụ kiện kéo dài 15 năm giữa nhà sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ xung quanh vấn đề trợ cấp chính phủ, được coi là “lần trả đũa” có giá trị thiệt hại lớn nhất mà WTO từng thông qua. 

“Trận chiến” giữa Boeing và Airbus bắt đầu từ năm 2004, với việc Mỹ cáo buộc châu Âu đã trợ cấp cho Airbus từ tận những năm 1970 với tổng giá trị lên tới 22 tỷ USD. Một vài tháng sau đó, EU cũng đưa ra khiếu nại của phía mình với cáo buộc rằng Boeing cũng đã được nhận 23 tỷ USD viện trợ bất hợp pháp từ Washington. WTO hồi đầu năm nay đã đưa ra phán quyết rằng EU đã không rút lại hàng tỷ USD tiền trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus dành cho hoạt động phát triển và ra mắt hai dòng máy bay A380 và A350.

Theo thông tin từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, các biện pháp áp thuế sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18-10 tới, chủ yếu nhằm vào 4 quốc gia trụ cột hỗ trợ cho tập đoàn Airbus, bao gồm Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha. Như vậy, các mặt hàng nông sản và trang thiết bị gồm rượu whisky, áo len, đồ len của Anh, cà phê và máy móc của Đức, rượu vang và ô liu Pháp cũng như ô liu Tây Ban Nha sẽ bị áp thuế 25%.

Về máy bay, Washington sẽ không áp thuế lên các bộ phận máy bay do EU sản xuất được sử dụng trong hoạt động lắp ráp trong nhà máy của Airbus đặt tại bang Alabama, hoặc những bộ phận được sử dụng bởi Boeing, nhằm bảo vệ công việc của lĩnh vực chế tạo tại Mỹ. 

Tuy nhiên, phán quyết ngày 2-10 của WTO sẽ chưa phải là sự kết thúc của câu chuyện này. Trong một vài tháng tới, WTO dự kiến sẽ đưa ra phán quyết mà EU có thể dựa vào để áp mức thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu của Mỹ. Quy mô của đợt áp thuế có thể lên tới vài tỷ USD để trả đũa các khoản trợ cấp của Washington khiến Airbus thiệt hại doanh số.

Ai là người chiến thắng?

Ngay sau khi việc áp thuế được công bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngần ngại khẳng định “đây là một chiến thắng lớn cho nước Mỹ”, nhưng Financial Times lại cho rằng thời điểm hiện tại là quá sớm để nước Mỹ có thể ăn mừng. Việc áp thuế cao vào nhiều mặt hàng sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải chi trả nhiều hơn, đồng thời biến đây trở thành lực cản đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Hơn thế, dù Mỹ miễn áp thuế lên các bộ phận máy bay do EU sản xuất được sử dụng trong hoạt động lắp ráp tại nhà máy của Airbus đặt tại bang Alabama, hoặc những bộ phận được sử dụng bởi Boeing, vẫn còn nhiều hãng hàng không khác phụ thuộc vào những bộ phận này. 

Nhiều luồng thông tin đánh giá, quy mô và phạm vi của việc áp thuế quan đã giảm đáng kể so với danh sách 25 tỷ USD hàng hóa mà Washington từng tung ra vào đầu năm nay, gián tiếp phản ánh chiến lược của Mỹ nhằm thúc đẩy EU ngồi vào bàn đàm phán.

Song, chắc chắn rằng, EU cũng sẽ không “ngồi yên chịu trận”. Trong ngày 2-10, bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy phụ trách Thương mại của EU, đã lên tiếng cho rằng việc áp thuế của Mỹ là “thiển cẩn và phản tác dụng”. “Những động thái đối phó lẫn nhau sẽ chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và công dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương, và gây tổn hại cho thương mại toàn cầu cũng như ngành hàng không vào thời điểm nhạy cảm”, bà nhận định. 

Bà Malmstrom cũng nhấn mạnh rằng, dù WTO đã đưa ra phán quyết có phần bất lợi, EU vẫn sẵn sàng cùng hợp tác với Mỹ để tìm một giải quyết công bằng. Nếu Mỹ quyết định áp dụng các biện pháp thuế nêu trên, Washington sẽ đẩy Brussels vào tình huống không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra những biện pháp tương tự.

Thật khó để phân định rằng ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài dai dẳng này, nhưng chắc chắn, tranh chấp giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể gây thiệt hại nặng nề hơn cho mối quan hệ thương mại trị giá 1.300 tỷ USD giữa hai bên, từ đó gây phương hại cho tất cả những bên liên quan. 

Ông Erik Jones - Giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins từng nhận định: “Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu sẽ tạo ra nhiều thách thức hơn là Mỹ và Trung Quốc. Vì nó làm suy yếu các công ty đa quốc gia của Mỹ, thu hẹp quy mô thị trường, khiến họ phải bán tài sản ở nước ngoài, kéo theo cạnh tranh quốc tế tăng cao”. 

Báo cáo do WTO công bố hồi đầu tuần này cũng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm tốc xuống còn một nửa so với dự báo hồi tháng 4 vừa qua. Giới quan sát cho rằng, những động thái châm ngòi cuộc chiến thương mại liên tiếp giữa các khối kinh tế lớn rất có thể sẽ ghì siết và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top