Tạo ổn định cho giá xăng dầu

09:03 - Thứ Tư, 16/10/2019 Lượt xem: 6698 In bài viết

Đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1-10 vừa qua khiến không ít người băn khoăn: khi nào mới hết tình trạng "tăng mạnh, giảm nhẹ"? Tính từ kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1-8 đến ngày 16-9, tổng giá xăng Ron 95 (lượng tiêu thụ chiếm khoảng từ 75% đến 80% trên thị trường) giảm tổng cộng 1.057 đồng/lít và xăng E5 Ron 92 giảm 1.165 đồng/lít, nhưng chỉ riêng một lần tăng giá ngày 1-10 đã gần bằng bốn lần giảm giá liên tiếp trước đó, khi xăng Ron 95 tăng 923 đồng/lít và xăng E5 Ron 92 tăng 666 đồng/lít.

Theo lý giải của các cơ quan chức năng, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ bình ổn) thực chất nhằm tạo ổn định giá xăng dầu trong nước, tránh tăng "sốc", gây bất ổn đối với nền kinh tế đất nước. Chính vì vậy, mỗi khi giá xăng dầu thế giới có sự thay đổi, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo, trong đó có tính đến việc tăng, giảm tác động như thế nào tới tình hình kinh tế - xã hội để có mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn phù hợp. Chẳng hạn, với đợt tăng giá ngày 1-10, nếu không sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng thực tế phải tăng khoảng 1.420 đồng/lít ("xả" quỹ 500 đồng/lít) chứ không dừng ở mức tăng 923 đồng/lít đối với xăng Ron 95 và tăng gần 1.000 đồng/lít chứ không dừng ở mức 666 đồng/lít ("xả" quỹ 300 đồng/lít) đối với xăng E5 Ron 92. Tương tự, đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 16-8, giá xăng có thể được giảm tới 1.000 đồng/lít chứ không phải giảm 510 đồng/lít nếu không trích lập 500 đồng/lít đối với xăng Ron 95 nhằm tạo nguồn cho quỹ. Thậm chí, nhiều đợt giá xăng dầu được giữ nguyên do "xả quỹ" nhằm giữ ổn định giá trong nước, mặc dù giá dầu thế giới tăng cao,...

Các chuyên gia cho rằng, Quỹ bình ổn có ý nghĩa nhất định khi có tác dụng làm giảm mức độ biến động về giá và là một biện pháp điều tiết, giúp ổn định thị trường. Thế nhưng, công tác vận hành Quỹ bình ổn lại chưa được như mong muốn, chẳng hạn, khi giá xăng dầu giảm nhưng người dân vẫn phải bỏ tiền ra đóng vào quỹ. Thậm chí, người dân đóng tiền lúc này nhưng chưa chắc đã được mua lúc giá rẻ hơn. Tiếp đến, do doanh nghiệp không được phép sử dụng Quỹ bình ổn khi chưa có thông báo chi sử dụng Quỹ bình ổn của liên bộ Công thương - Tài chính, cho nên khi quỹ dương, doanh nghiệp cũng không được lợi gì, nhưng khi quỹ âm, doanh nghiệp lại phải tự bỏ tiền ra tạm ứng bù vào mức được "xả quỹ" và khi giá xăng dầu tăng cao sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp. Có thể thấy, việc cho trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn khiến thị trường xăng dầu bị "méo mó", mang đậm tính can thiệp hành chính và không bảo đảm tính cạnh tranh. Mặt khác, Quỹ bình ổn thực chất là tiền của người tiêu dùng ứng trước, do liên bộ Công thương - Tài chính quyết định. Thực tế, các quyết định điều chỉnh chủ yếu bảo vệ các đơn vị kinh doanh xăng dầu chứ chưa thật sự bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Do đó, đã đến lúc xóa bỏ quỹ này để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo đúng cơ chế thị trường, phù hợp xu hướng tăng - giảm chung của giá dầu thế giới. Ðồng thời, cần thiết phải sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan theo hướng tạo cơ chế thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, để doanh nghiệp tự quyết định về giá, bãi bỏ các quy định về chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức,... nhằm đẩy mạnh thị trường xăng dầu phát triển.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top