BÌNH LUẬN - PHÊ PHÁN

Để phát triển du lịch quốc gia

08:23 - Thứ Ba, 02/06/2020 Lượt xem: 81171 In bài viết

Sau một thời gian du lịch Việt Nam gần như bị “đóng băng” bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến nay nhiều biện pháp kích cầu du lịch đang được ngành chức năng cùng các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tích cực triển khai. Cùng với đó, nhiều điểm mạnh, vốn quý của du lịch Việt Nam nếu được phát huy khai thác, tận dụng đúng hướng cũng được xem sẽ góp phần tích cực đưa ngành kinh tế này tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả vấn đề này, giúp du lịch thật sự khởi sắc, lấy lại đà phát triển mạnh mẽ cần huy động nguồn lực nội sinh, sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương,… liên quan, cũng như sự hưởng ứng của cả cộng đồng.

Kỳ 1: Phát huy vai trò của nghệ thuật truyền thống

Không chỉ có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hệ sinh thái đa dạng, khí hậu ôn hòa, nhiều di sản văn hóa lịch sử có giá trị,… Việt Nam còn sở hữu nhiều thể loại nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Đây chính là vốn quý được trao truyền qua nhiều thế hệ, đã và đang được một số địa phương khai thác hiệu quả trong phát triển du lịch.

Từ lịch sử lâu đời, từ nét văn hóa của mỗi vùng - miền và bản sắc của văn hóa các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc, mà văn hóa Việt Nam vừa có sự phong phú, đa dạng, vừa có bề dày về truyền thống. Những đặc điểm này khiến du lịch văn hóa ở Việt Nam từ lâu trở thành một thế mạnh, được khai thác rộng rãi, từ tham quan di tích, di sản cho đến trải nghiệm lễ hội, lối sống, phong tục, tập quán, ẩm thực truyền thống… Và đó là cơ sở để nhiều địa phương đưa nghệ thuật truyền thống trở thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch. Như tại Huế, từ nhiều năm nay, thưởng thức ca Huế trên sông Hương là một “đặc sản” không thể thiếu đối với khách du lịch khi đến với vùng đất của sông Hương núi Ngự. Sau khi Nhã nhạc Cung đình Huế được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhã nhạc đã được khôi phục, phục vụ khách du lịch một cách rộng rãi. Tại Hà Nội, trước đây khách du lịch hầu như chỉ xem rối nước tại Nhà hát Múa rối Thăng Long nhưng gần đây, các nhà hát, các nghệ sĩ, nghệ nhân trên địa bàn đã đem đến một “thực đơn” với nhiều “món ăn” nghệ thuật phong phú như: ca trù (tại đình Kim Ngân - phố Hàng Bạc; đền Quán Đế - phố Hàng Buồm), hát xẩm (khu vực chợ Đồng Xuân), chương trình “Long thành diễn xướng” (Nhà hát Chèo Hà Nội), chương trình âm nhạc truyền thống của nhóm Bá Phổ Nhạc đường (Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây)…; chưa kể một số không gian biểu diễn nghệ thuật phục vụ miễn phí vào dịp cuối tuần trong khu vực phố đi bộ hồ Gươm. Một số câu lạc bộ nghệ thuật, làng nghề truyền thống cũng sẵn sàng phục vụ khách du lịch một cách linh hoạt như: Làng múa rối nước Đào Thục (Đông Anh), Giáo phường Ca trù Thái Hà (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ)… TP Hồ Chí Minh cũng là địa bàn mà các tua khai thác nghệ thuật truyền thống khá hiệu quả. Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang,… đều có chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch. Ở các tỉnh Nam Bộ, du lịch miệt vườn, du lịch trên sông gắn với đờn ca tài tử đã trở thành “bạn đồng hành” trong các tua tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu… Du lịch các tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, Điện Biên,… cũng đã đưa “đặc sản” của văn hóa các dân tộc thiểu số như xòe Thái vào chương trình du lịch, giúp cho khách phương xa có những phút giây trải nghiệm thú vị. Ở khu vực Tây Nguyên, nhiều năm nay “tua cồng chiêng” cũng thu hút sự quan tâm của nhiều khách trong nước và quốc tế.

Nổi lên trong thời gian gần đây và nhận được chú ý của xã hội là việc khai thác nghệ thuật truyền thống trong phát triển du lịch đã đưa tới sự ra đời một loại thể nghệ thuật trình diễn mới, đó là sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, nhiều nét văn hóa dân gian làm chất liệu để sáng tạo nên những vở diễn thực cảnh. Điển hình cho xu thế này là vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ (Công ty Tuần Châu sản xuất, biểu diễn tại Khu Du lịch Tuần Châu - Quốc Oai, Hà Nội), Ký ức Hội An (do Gami Theme Park sản xuất, trình diễn tại Công viên Văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Về đại thể, hiện nay ở Việt Nam có ba nhóm tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch là: các nhà hát nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; các tổ chức xã hội hóa của nghệ sĩ, nghệ nhân; và các doanh nghiệp đầu tư vào nghệ thuật truyền thống. Đối với các nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp, điểm mạnh là có sân khấu hiện đại, bảo đảm điều kiện đón khách, các chương trình được đầu tư bài bản, đội ngũ nghệ sĩ chất lượng. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là nhu cầu của khách du lịch khác với nhu cầu của khách muốn thưởng thức nghệ thuật thuần túy. Một vở chèo, tuồng (hát bội) hoặc cải lương có độ dài hàng tiếng đồng hồ khiến khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài khó nắm bắt, dù lời thoại đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh. Do đó, một số nhà hát đã linh hoạt cải biên trong biểu diễn như chương trình “Long thành diễn xướng” của Nhà hát Chèo Hà Nội kết hợp nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau như: chèo, hát xẩm, ca trù, chầu văn, múa rối nước, độc tấu nhạc cụ dân tộc và múa dân gian… Sự điều chỉnh này phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách du lịch cho nên được đánh giá khá cao. Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh cũng đã chuyển thể vở diễn “Sanh vi tướng, tử vi thần” thành vở diễn không lời thoại, độ dài còn 60 phút, cũng được cho là không quá “nặng” đối với những khách du lịch chưa có kiến thức về hát bội.

Do tổ chức bộ máy gọn nhẹ, dưới hình thức là các câu lạc bộ, giáo phường (ca trù), phường (rối nước), nhóm nhạc,… nên các tổ chức xã hội hóa của nghệ sĩ, nghệ nhân có lợi thế là có thể tổ chức các buổi diễn gần như bất cứ lúc nào, tùy thuộc vào yêu cầu của khách. Thí dụ tại khu du lịch Mộc Châu (Sơn La), khi đến thăm các bản du lịch cộng đồng, hay đến các khu nghỉ dưỡng, khách du lịch chỉ cần đưa yêu cầu, các nghệ nhân sẽ tập hợp và tổ chức xòe Thái phục vụ khách. Làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng hết sức cơ động trong phục vụ khách. Tổ chức nhân sự cho một buổi diễn được giản lược đến mức thấp nhất. Các tích trò được lựa chọn để bảo đảm làm nổi bật nét văn hóa truyền thống, nhưng không cần huy động quá nhiều người. Tương tự là quan họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, chỉ cần khách có yêu cầu là các cơ sở du lịch có thể bố trí ngay các liền anh, liền chị đến biểu diễn giao lưu.

Các vở diễn sử dụng chất liệu của nghệ thuật truyền thống do doanh nghiệp đầu tư xây dựng là xu thế mới, giúp khai thác khả năng của nghệ sĩ, nghệ nhân bằng tiềm lực về vốn, về quảng bá, khả năng tổ chức của doanh nghiệp. Đến nay, các vở diễn thực cảnh đều gây ấn tượng mạnh về văn hóa, có tiềm năng trở thành những chương trình biểu diễn nâng tầm văn hóa Việt và được nhiều hãng lữ hành đưa vào nội dung tua. Xu thế này dự báo sẽ còn phát triển trong tương lai.

Việc khai thác nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch vừa tạo thêm sức hút của các chuyến du lịch, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tua, vừa quảng bá văn hóa Việt Nam và tăng thêm thu nhập cho nghệ sĩ, nghệ nhân. Mặt khác, thu nhập từ hoạt động du lịch giúp nghệ sĩ, nghệ nhân gắn bó hơn với nghề, góp phần bảo tồn, phát huy nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Sự tồn tại của nhiều đơn vị, cá nhân tổ chức biểu diễn góp phần đáp ứng những nhu cầu khác nhau của khán giả là khách du lịch khi họ muốn tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa truyền thống. Tuy nhiên thực tế hiện nay, dường như “cung” vẫn chưa gặp “cầu”, bởi có không ít chương trình nghệ thuật vẫn “ế” khách? Chẳng hạn, ca trù được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng nhiều đêm diễn do các câu lạc bộ thực hiện tại phố cổ Hà Nội được chuẩn bị công phu nhưng chỉ có vài khách lẻ thưởng thức. Hoạt động đón khách du lịch của một số nhà hát chuyên nghiệp cũng gặp không ít trở ngại, tần suất biểu diễn các chương trình còn ít khiến các doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn khi thiết kế tua. Các buổi biểu diễn thường có chi phí lớn nên nếu ít khách thì dễ rơi vào tình trạng thu không đủ bù chi. Còn với các nhóm, câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống, dường như cũng chỉ coi biểu diễn phục vụ du lịch là “nghề tay trái” để có thêm thu nhập nên chất lượng chưa thật sự ổn định. Bên cạnh đó, do hoạt động theo hình thức xã hội hóa, phải tự túc từ tổ chức biểu diễn đến quảng bá hình ảnh cho nên nếu không liên kết được với các điểm du lịch, công ty du lịch thì các nhóm, câu lạc bộ này khó tồn tại lâu dài. Còn các chương trình nghệ thuật được doanh nghiệp đầu tư lại gặp vấn đề hoàn toàn ngược lại. Chương trình dù hấp dẫn, nhưng giá vé thường khá cao, chưa phù hợp với khả năng chi tiêu của phần lớn khách du lịch nội địa nên ít được chọn lựa. Điều đó cho thấy mỗi nhóm tổ chức, phục vụ đều có khó khăn riêng, nên cần tiếp tục khảo sát, đánh giá, tìm cách tháo gỡ.

Khai thác giá trị nghệ thuật truyền thống để phát triển du lịch là một hướng đi đúng và cần thiết. Tuy nhiên, nếu với hoạt động nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp có nhiều thuận lợi thì một số thể loại nghệ thuật vốn là di sản gắn với sinh hoạt của cộng đồng, gắn với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân lại phải đối mặt với không ít nguy cơ. Cồng chiêng Tây Nguyên chỉ thật sự phát huy hết giá trị khi đặt trong không gian văn hóa cồng chiêng, gắn liền với các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng. Tương tự với quan họ, hoặc đờn ca tài tử,… nếu không có giải pháp khai thác để phục vụ du lịch phù hợp và hiệu quả rất dễ có nguy cơ bị tầm thường hóa, thương mại hóa hoặc sân khấu hóa. Thực tế đã có nghệ nhân chưa hiểu biết sâu sắc về di sản nên có những “sáng tạo” tùy tiện khi phục vụ khách; việc biểu diễn để kiếm tiền còn khiến không ít nghệ nhân đề cao vai trò của kinh tế hơn là chú trọng trau dồi trình độ chuyên môn. Điều này dẫn đến nguy cơ biến dạng, mai một di sản.

Để việc khai thác vốn nghệ thuật truyền thống có thể phát triển và tồn tại một cách bền vững trong hoạt động du lịch, các nghệ nhân, đơn vị biểu diễn nghệ thuật cần phải tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn, vừa nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, vừa giữ được bản sắc vốn có của văn hóa; vừa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức nghệ thuật của khách du lịch, nhưng đồng thời cũng giúp họ khám phá, hiểu rõ và sâu hơn về chương trình, từ đó thêm trân trọng giá trị văn hóa truyền thống. Chỉ khi có được sự kết hợp hài hòa như vậy, các giá trị nghệ thuật truyền thống mới góp phần hữu hiệu trong phát triển du lịch quốc gia.

(Còn nữa)

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top