Sự kiện & Bình luận

Không thể cam kết rồi... để đấy

07:35 - Thứ Năm, 15/07/2021 Lượt xem: 20176 In bài viết

ĐBP - Trong cuộc họp gần đây của lãnh đạo tỉnh với UBND TP. Điện Biên Phủ, bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án Đường 60m và Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung (dọc trục đường 60m), Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ Lê Tiến Dũng thông tin làm rõ lý do chủ quan, khách quan dẫn tới chậm tiến độ 2 dự án trọng điểm này.

Theo Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ, ngoài nguyên nhân khách quan là do một bộ phận người dân không đồng thuận, còn có nguyên nhân chủ quan từ chính quyền, cán bộ thành phố. Ông Dũng lý giải, phần do thời gian dài thành phố chưa thật sự quan tâm công tác quản lý đất đai, có khi còn buông lỏng quản lý; phần do thiếu nhân lực vì cùng lúc phải đảm đương nhiều dự án và phần do chất lượng cán bộ, công chức còn hạn chế nên không đáp ứng yêu cầu công việc tại 2 dự án... 

Sau khi nghe ông Lê Tiến Dũng nêu nguyên nhân, lý do, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Mùa A Sơn cho rằng, các nguyên nhân lãnh đạo UBND thành phố Điện Biên Phủ đề cập là ngụy biện. Vì thẳng thắn đánh giá thì nguyên nhân chính là năng lực tổ chức, điều hành, thực hiện của cán bộ thành phố yếu. Tại rất nhiều cuộc họp về 2 dự án này, lãnh đạo thành phố cứ cam kết thế này thế kia rồi... để đấy. Tiến độ dự án không chuyển động, người dân thì kiện tụng rất nhiều... Theo đồng chí Mùa A Sơn thì lãnh đạo thành phố không thể nói cam kết rồi để đấy được, mà cần hành động quyết liệt, dứu khoát hơn.

TP. Điện Biên Phủ đang trong quá trình kiến thiết, xây dựng hạ tầng cơ sở để sớm đạt đô thị loại II. Việc tỉnh Điện Biên cho phép xây dựng Dự án Đường 60m và Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung, mục tiêu cũng là để làm cho bộ mặt đô thị thành phố ngày càng khang trang, hiện đại. Chính vì vậy, nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2015 - 2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhất trí phê duyệt đầu tư 2 dự án quan trọng này. Theo đó, Dự án Đường 60m được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt ngày 4/12/2015, tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng (vốn tái định cư Thủy điện Sơn La 294 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 56 tỷ đồng); thời gian thực hiện là 5 năm (từ 2015 - 2020). Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung được phê duyệt tại Quyết định số 106/QĐ-UBND ngày 13/2/2017, tổng mức đầu tư hơn 279 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và một phần vốn thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất; thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2021.

Mọi việc “xuôi chèo mát mái” thì đến nay Dự án Đường 60m đã hoàn thành được hơn 6 tháng; còn Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung đã vào giai đoạn nước rút. Vậy nhưng thực tế của 2 dự án lại chỉ là những đoạn đường chắp nối. Đường 60m mở dở dang, chưa thông tuyến; hai bên đường vẫn là những ngôi nhà lụp xụp, xập xệ. Nhiều người dân có đất bị thu hồi thì đợi tiền đền bù, sống trong cảnh tạm bợ, nhà cửa xuống cấp không muốn sửa và cũng không dám sửa. Từ chỗ cuộc sống ổn định, khi Nhà nước quy hoạch, cắm mốc dự án, cũng là ngần ấy thời gian nhiều người dân sống trong cảnh nơm nớp lo âu, chờ đợi di chuyển và tái định cư.

Bất kể chương trình, dự án hạ tầng, tái định cư nào khi triển khai cũng phải đạt được cả 2 mục tiêu là người dân có cuộc sống ổn định, bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; Nhà nước xây dựng được các công trình như quy hoạch, phê duyệt. Thực tế hiện tại, phần lớn người dân trong vùng 2 dự án đã đồng thuận bàn giao đất, kiểm đếm tài sản... để bàn giao cho chính quyền địa phương. Chỉ còn một số ít hộ chưa đồng thuận. Vì họ cho rằng, cũng là người dân sống trong khu vực, nhưng lại áp dụng các chính sách bồi thường, đền bù khác nhau. Bà con cũng cho rằng, có hộ tách được rất nhiều sổ đỏ, nhưng có hộ lại không làm được như nguyện vọng, dẫn tới giá tiền đền bù đất sẽ khác nhau một trời một vực. Theo bà con thì có động cơ không trong sáng, thiếu minh bạch, khách quan trong quá trình làm sổ đỏ và tính toán, áp giá đền bù, tái định cư cho người dân?! Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới một vài hộ chưa đồng thuận với chủ trương áp giá đền bù của Nhà nước.

Tiếp nhận thông tin này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu cơ quan Công an vào cuộc điều tra làm rõ phản ánh của bà con. Nếu có việc áp giá đền bù, kiểm đếm đất đai, tài sản, kể cả chia tách hộ, làm sổ đỏ... không đúng quy định của pháp luật báo cáo Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến xử lý. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị thành phố phải chủ động giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị của nhân dân trong giải phóng mặt bằng tại 2 dự án; chủ động phối hợp với các sở, ngành, thành viên ban chỉ đạo dự án tháo gỡ vướng mắc; có cơ chế khuyến khích người dân bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công...

Dư luận rất đồng tình giải pháp chỉ đạo quyết liệt, có lý, có tình của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng. Vì rằng, đất đai là lĩnh vực rất nhạy cảm; càng khó thực hiện khi dự án được triển khai, giá trị đất thường tăng cao. Như vậy, quyền lợi của người dân cần được thực hiện đầy đủ, minh bạch, công tâm, khách quan. Chỉ khi Nhà nước thực hiện đúng các chế độ, chính sách, người dân đồng thuận thì 2 dự án này mới tiến hành thuận lợi, suôn sẻ được.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top