Sự kiện & Bình luận

Chẳng lẽ chính quyền “ngạt mũi”?

16:59 - Chủ Nhật, 18/07/2021 Lượt xem: 16999 In bài viết

ĐBP - Thông tin hàng chục ha rừng thông trên 20 năm tuổi khu vực đèo Pha Đin, huyện Tuần Giáo bị người dân, doanh nghiệp khai thác khi chưa đủ các thủ tục giấy tờ đang làm “nóng” dư luận thời gian gần đây. Điều đáng nói, khu vực rừng bị khai thác, nơi ăn nghỉ, sinh hoạt của đơn vị thu gom gỗ… trước “mũi” UBND xã Tỏa Tình (cách trụ sở xã hơn 100m). Khai thác chủ yếu theo hướng công nghiệp (dùng máy móc: từ cưa cây, cắt khúc, mở đường vận chuyển gỗ…) như “đại công trường” mà chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không hề hay biết?! Vậy chẳng lẽ chính quyền địa phương xã Tỏa Tình bị… “ngạt mũi” hay sao?

Thông tin có được, diện tích rừng thông trên đèo Pha Đin lịch sử này được trồng từ năm 1997. Hiện tại, đường kính cây khoảng 30 - 40cm. Rừng trồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước, thuộc Dự án 327 và 661 của Chính phủ, gọi là Dự án trồng 5 triệu héc ta rừng trên toàn quốc. Cách đây 4 năm (năm 2018), UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 1208/QÐ-UBND về việc phê duyệt dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thì diện tích rừng thông này thuộc rừng phòng hộ. Như vậy, việc quản lý, bảo vệ rừng càng cần được làm chặt chẽ, khoa học và nghiêm túc hơn.

Vậy nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì? động cơ nào? mà từ nhiều năm qua, cao điểm là từ tháng 4/2021 đến nay, nhiều hộ dân được giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ trên đỉnh đèo Pha Đin lại làm đơn xin khai thác bán lấy tiền. Có thể người dân hiểu nhầm chủ trương là sau khi Nhà nước bàn giao diện tích rừng này cho họ khoanh nuôi, bảo vệ, nay đến kỳ khai thác thì làm đơn xin khai thác. Nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng phải kịp thời giải thích, phân tích cho bà con hiểu rằng: đây là rừng phòng hộ, không phải rừng sản xuất do bà con trồng, nguồn gốc hình thành rừng từ nguồn vốn Nhà nước, thì việc khai thác phải được sự đồng thuận, cho phép của UBND tỉnh Điện Biên, còn cấp huyện, cấp xã không đủ thẩm quyền, để người dân đồng thuận chủ trương bảo vệ rừng.

Không biết có phải chỉ vì sự kém hiểu biết như ông Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình trả lời báo chí, công luận rằng: Xã có nắm được sự việc này. Tuy nhiên, đơn vị thu mua nói đã làm việc với lãnh đạo cấp huyện, tỉnh Điện Biên và cơ quan chức năng rồi nên chính quyền xã cũng đành... “không biết nói gì”?! hay có động cơ nào khác, mà hàng chục ha rừng thông đang xanh tốt đã bị khai thác không thương tiếc. Thống kê sơ bộ, có trên 300m3 gỗ thông đã được cắt khúc, vận chuyển về Sơn La chế biến theo hợp đồng thu mua giữa hai bên.

Người dân cho biết, họ chỉ cần làm đơn xin khai thác rừng, còn các thủ tục xin phép chính quyền xã, kiểm lâm huyện, chính quyền huyện, tỉnh… do doanh nghiệp lo lót. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp đưa máy móc đến khai thác, vận chuyển gỗ về chỗ tập kết, vận chuyển về xuôi… bà con cứ nghĩ mọi việc đã xong xuôi, nên nhiều hộ cũng tham gia phá rừng.

Việc hàng chục ha rừng thông tại xã Tỏa Tình bị khai thác trái phép thì đã rõ. Vấn đề là trách nhiệm của chính quyền địa phương xã Tỏa Tỉnh, cơ quan chuyên môn (kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm huyện Tuần Giáo…) đến đâu?

Như đã đề cập, việc khai thác rừng thông diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, khai thác ngày này qua ngày khác, tháng nọ tới tháng kia thì không thể nói là chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn không biết. Chính lãnh đạo kiểm lâm huyện cũng thừa nhận việc người dân “bắt tay cùng doanh nghiệp” khai thác rừng thông là sai. Vậy vai trò, trách nhiệm của kiểm lâm trong vụ việc này đến đâu?

Nắm thông tin có hàng chục ha rừng thông trên đỉnh đèo Pha Đin bị khai thác mà chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn thì lơ tơ mơ. Nhiều ý kiến cho rằng, nói như vậy là ngụy biện, xem thường dư luận. Vì rằng, chỉ cần một đối tượng nào đó buôn bán vài tép hêrôin, vài sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng đều bị công an, quản lý thị trường… dùng biện pháp nghiệp vụ bắt giữ. Vậy mà hàng chục ha rừng bị khai thác theo kiểu “tận diệt” mà chính quyền địa phương bảo không biết là sao?

Rừng đã khai thác rồi, vấn đề dư luận quan tâm là chính quyền địa phương (tỉnh Điện Biên, huyện Tuần Giáo) sẽ xử lý cá nhân, tổ chức liên quan như thế nào. Cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, lỗi đến đâu xử lý đến đó. Nếu vụ việc đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, xét xử theo đúng quy định pháp luật. Không thể chỉ họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm hay luân chuyển cán bộ sai phạm sang địa bàn khác như “tiền lệ” trước đây.

Ngoài xem xét trách nhiệm của chính quyền xã, kiểm lâm huyện… cũng cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo huyện Tuần Giáo. Một vụ phá rừng lớn, quy mô, có tổ chức bài bản, diễn ra trong thời gian dài mà lãnh đạo huyện bảo do mới kiện toàn, bận nhiều việc nên chưa đi hết địa bàn để nắm thông tin… nghe cũng không ổn cho lắm!

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top