Sự kiện & Bình luận

Mất rừng, "mất... cán bộ"?

10:43 - Thứ Hai, 19/07/2021 Lượt xem: 35876 In bài viết

ĐBP - Gần đây, tại 2 huyện Tuần Giáo và Mường Ảng, xuất hiện tình trạng người dân viết đơn xin chính quyền khai thác rừng thông thuộc Dự án 661. Tại những cánh rừng này, chủ yếu là cây thông đã đến thời kỳ khai thác mủ. Rừng thông tại xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) trồng từ năm 2005, đến nay đã 16 năm. Rừng thông trồng ở khu vực đỉnh đèo Pha Đin (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) trồng từ năm 1997, đến nay đã 24 năm.

Toàn bộ diện tích rừng thông mà người dân 2 xã (Tỏa Tình, Ẳng Tở) làm đơn xin khai thác có nguồn gôc hình thành từ vốn Nhà nước, do vậy chủ sở hữu thuộc về Nhà nước. Người dân chỉ được giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ và hưởng Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Còn việc có cho khai thác "trắng" (khai thác cuốn chiếu) hay khai thác chọn lọc (tỉa thưa những cây to) phải có sự đồng ý, cho phép của UBND tỉnh Điện Biên, còn cấp huyện, cấp xã không đủ thẩm quyền.

Thế nhưng gần đây, cụ thể là từ tháng 4/2021 đến nay, nhiều người dân xã Tỏa Tình đã làm đơn gửi chính quyền xã để khai thác rừng bán cho doanh nghiệp. Điều đáng nói, bà con được doanh nghiệp "tư vấn" cách làm đơn, còn các việc sau đó như xin phép chính quyền (xã, huyện, tỉnh, ngành kiểm lâm...) do họ "lo lót", nên người dân cứ tường là mọi việc đã xong xuôi. Khi doanh nghiệp đưa máy móc vào khai thác gỗ, mở đường vận chuyển gỗ về nơi tập kết, chở về xuôi... thì nhiều người dân cùng tham gia khai thác rừng bán cho doanh nghiệp. Việc làm của họ đã vô tình tiếp tay cho phá rừng trái phép, vi phạm pháp luật. Và tới đây, khi chính quyền chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh nguyên nhân dẫn tới phá rừng, có thể nhiều người dân Tỏa Tình dính vào vòng lao lý!.

Trách người dân một thì trách chính quyền xã Tỏa Tình, kiểm lâm địa bản và lãnh đạo kiểm lâm huyện Tuần Giáo mười. Người dân có thể không nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trồng trên đỉnh đèo Pha Đin, hơn nữa đây là rừng phòng hộ, chứ không phải rừng sản xuất do bà con bỏ vốn trồng, nhưng cán bộ chuyên môn thì biết rất rõ các quy định này. Vậy mà họ không tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu, để bà con không "a dua" theo doanh nghiệp bán rừng, phá rừng.

Chỉ vì quan liêu, thiếu trách nhiệm của chính quyền xã Tỏa Tình, kiểm lâm địa bàn và lãnh đạo kiểm lâm huyện Tuần Giáo mà hàng chục ha rừng hơn 20 năm tuổi trên đỉnh đèo Pha Đin lịch sử đã bị khai thác "tận diệt". Khi chính quyền cấp huyện nắm được thông tin thì mọi việc đã rồi, trên 300m3 gỗ thông đã bị khai thác.

Cũng liên quan đến việc người dân xin khai thác rừng thông trồng bằng nguốn vốn Nhà nước Dự án 661 của Chính phủ, nhưng tại huyện Mường Ẳng lại khác. Sau khi nắm được thông tin, cấp ủy, chính quyền huyện đã kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm việc, xin ý kiến ngành chủ quản là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời rõ nguyện vọng của bà con. Do nguồn gốc hình thành rừng là của Nhà nước, mặc dù đã được giao khoán, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và được hưởng Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhiều năm qua, nhưng người dân không được phép bán rừng, khai thác "trắng" rừng bán gỗ cho doanh nghiệp. Việc khai thác rừng tại xã Ẳng Tở cũng phải được sự đồng ý, cho phép của UBND tỉnh Điện Biên, cấp huyện không đủ thẩm quyền.

Mặc dù trong quá trình làm đơn xin khai thác rừng, chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm huyện đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án khai thác rừng thông, một vài người dân bức xúc, phát ngôn thiếu tinh thần xây dựng. Nhưng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, các phòng ban liên quan huyện Mường Ảng đã nhiều lần xuống xã, bản họp dân, phân tích, trả lời đầy đủ các căn cứ pháp lý để người dân hiểu. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phân tích nguyên nhân, lợi ích sâu xa của việc bảo vệ rừng, ngoài đảm bảo đời sống kinh tế, còn bảo vệ môi trường, phòng chống lũ lụt, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, sản xuất nông nghiệp... cho bà con dân bản. Cấp ủy, chính quyền cũng cương quyết, cứng rắn trong việc giữ rừng, nhờ đó mà trên 40ha rừng thông tại xã Ảng Tở được giữ lại.

Hai địa phương khác nhau nhưng có chung vấn đề là người dân xin khái thác rừng phòng hộ bán lấy tiền. Nhưng nếu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn sâu sát cơ sở, am hiểu pháp luật, tuyên truyền, vận động tốt như huyện Mường Ảng thì rừng được giữ lại. Còn địa phương lơ là, thiếu trách nhiệm như Tuần Giáo thì rừng mất, có thể tới đây cán bộ cũng... "mất" chức.

Theo quan điểm của người viết thì đây mới là cuộc chơi công bằng, sòng phẳng. Còn cứ vi phạm pháp luật mà chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc... thì rất khó giữ rừng, đánh mất lòng tin trong nhân dân. Đây là bài học "xương máu" cho các địa phương còn lại trong việc giao khoán, khoanh nuôi, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top