Sự kiện & Bình luận

Sự lo lắng nhất đã đến

11:53 - Thứ Sáu, 05/11/2021 Lượt xem: 42886 In bài viết

ĐBP - Từ ngày 1/11 đến nay, tỉnh ta có nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Điều đáng nói, trong lần bùng phát dịch này, có nhiều trường hợp là trẻ em, học sinh các cấp.

Mang trong người dịch bệnh Covid-19 thì ai cũng lo lắng, bất an, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe như ai. Nhưng nếu là người lớn (từ đủ 18 tuổi trở lên) thì ý thức, nhận thức về bệnh tật cao hơn. Họ chủ động phối hợp với y, bác sỹ trong việc tuân thủ phác đồ điều trị bệnh; thực hiện nghiêm thông điệp “5K”... Còn với trẻ em, học sinh các cấp thì việc phối hợp điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Do là bệnh truyền nhiễm, người nhà, người thân không được tiếp cận gần, trực tiếp chăm sóc, giúp đỡ nên nỗi lo lắng đối với bệnh nhân Covid-19 là trẻ em nói chung càng tăng lên gấp bội. Hình ảnh những y, bác sỹ, điều dưỡng trong các khu cách ly tập trung, tại các bệnh viện, cơ sở y tế… thay thế cha mẹ các cháu chăm sóc bệnh nhân F0 đã làm lay động, thổn thức bao trái tim; lấy đi nước mắt của không ít người dân thời gian qua. Chính vì vậy, ai cũng mong trẻ em không lây nhiễm Covid-19. Nhưng đây là “sát thủ vô hình”. Nó không loại trừ bất cứ đối tượng nào khi có điều kiện để gây bệnh. Trẻ em hiếu động, thích túm tụm chơi với nhau, việc thực hiện “5K” trong thời gian lên lớp, ra chơi… khó khăn, nên chỉ cần một vài trường hợp nhiễm Covid-19 là rất dễ lây lan ra diện rộng.

Nhiễm Covid-19 thì dồn tâm sức điều trị, chữa bệnh. Các đối tượng: F1, F2, F3, tùy tình hình cụ thể, tiến hành cách ly, phong tỏa, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Về lâu dài, cần nhanh chóng tiêm đủ liều vắc xin phòng dịch cho trẻ em. Hiện nay, đã có một số tỉnh, thành phố tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng là học sinh (chủ yếu đang là học sinh cấp THPT). Thông tin có được, đại đa số trẻ em được tiêm vắc xin, các phản ứng phụ sau tiêm cũng tương tự như người lớn. Do vậy, người dân, phụ huynh khá yên tâm và chủ động phối hợp với nhà trường, ngành Y tế sẵn sàng tiêm chủng đảm bảo nhanh nhất, an toàn nhất.

Thống kê sơ bộ, tỉnh ta có 207.359 trẻ từ 3 đến dưới 18 tuổi - là đối tượng thuộc diện tiêm phòng vắc xin Covid-19. Trong đó trẻ 3-11 tuổi 132.404 cháu; 12-15 tuổi 48.015 trẻ; 16 - dưới 18 tuổi: 26.940 em).

Lộ trình tiêm chủng từ quý IV/2021 đến hết quý II/2022. Trước mắt, ưu tiên tiêm nhóm trẻ em từ 12 - dưới 18 tuổi (thực hiện tiêm trong quý IV/2021). Học sinh cấp THPT ưu tiên tiêm trước và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin cũng như tình hình dịch tại địa phương. Tiếp đến là nhóm trẻ em từ 3 - 11 tuổi (thực hiện trong quý I, II/2022). Mục tiêu là có tối thiểu 95% trẻ em được tiêm đủ liều vắc xin để miễn dịch cộng đồng. Và quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn sau tiêm chủng.

Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực phối hợp với Bộ Y tế tiếp nhận vắc xin một cách nhanh nhất để tiêm cho trẻ em. Chỉ khi trẻ em tiêm đủ liều vắc xin và tuân thủ quy định “5K” thì việc mở cửa trường học mới ổn định. Các em được học tập trong môi trường an toàn. Phụ huynh yên tâm về tính mạng, sức khỏe con em mình.

Do dịch bệnh bùng phát nhanh, diễn biến phức tạp, đã có trên 10.000 học sinh các cấp thuộc 8 xã vùng “nguy cơ cao” huyện Điện Biên tạm thời phải nghỉ học. Huyện trưng dụng nhiều trường học làm cơ sở cách ly tập trung. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì các em lại phải nghỉ đến trường dài dài, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kiến thức, kỹ năng sống. Thực tế cho thấy, học trực tiếp, chất lượng mới đảm bảo. Còn học trực tuyến, chất lượng không thể bằng học trực tiếp.

Nhờ làm tốt công tác truyền thông về Covid-19; bên cạnh đó, tỉnh đã tiêm được 409.499 mũi vắc xin (tính đến ngày 4/11), trong đó mũi 1 là 311.282 liều, mũi 2 với 98.217 liều. Quy trình tiêm chủng bảo đảm an toàn nên đại bộ phận người dân rất mong muốn trẻ em, con em mình cũng sớm được tiêm phòng vắc xin Covid-19.

Mặc dù vắc xin tiêm cho đối tượng trẻ em chưa về, nhưng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh đã chuẩn bị các phương án chu đáo, bài bản, đảm bảo an toàn cao nhất trong tiêm chủng. Ban Chỉ đạo yêu cầu ngành Y tế tập huấn kỹ cho cán bộ y tế về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin cho trẻ em. Yêu cầu trong ít nhất ba ngày sau tiêm, cha mẹ, người giám hộ, thầy, cô giáo không cho trẻ vận động mạnh, hoạt động thể thao cường độ cao. Ðiều này sẽ gây tăng áp lực cho tim, dễ dẫn đến biểu hiện viêm cơ tim.

Cũng theo Ban Chỉ đạo, phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ em tương tự như người lớn. Phổ biến là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm. Trẻ cũng có thể bị ớn lạnh, sốt, mệt mỏi. Tuy nhiên, đối với vắc xin Pfizer, thường sau tiêm mũi thứ 2 sẽ xảy ra phản ứng nhiều hơn mũi 1. Có thể xảy ra các phản ứng khác, buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm, nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa tại chỗ tiêm... Do đó, sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, nhất là trong vòng bảy ngày đầu sau tiêm chủng. Việc theo dõi sau tiêm áp dụng như với người lớn.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top