Sự kiện & Bình luận

Cần giải pháp căn cơ

17:13 - Chủ Nhật, 02/01/2022 Lượt xem: 61495 In bài viết

ĐBP - Trung tuần tháng 12/2021 một số cơ quan báo chí phản ánh việc nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ bị người dân địa phương chặt hạ làm đường lên nương, vào mó nước sinh hoạt đầu nguồn. Điều đáng nói, tại đây đã có hẳn Ban Quản lý Bảo vệ rừng Mường Phăng với nhiều cán bộ ăn lương Nhà nước để bảo vệ rừng; có cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan, nhưng tình trạng phá rừng vẫn xảy ra. Chỉ trong thời gian ngắn, đã có hàng nghìn m2 rừng bị người dân “khai tử”.

Sau khi báo chí phản ánh, cán bộ kiểm lâm địa bàn, công an môi trường, chính quyền địa phương… vào cuộc điều tra, xác minh, tìm ra đối tượng phá rừng, nhưng việc xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đều gặp khó khăn. Lý do là đối tượng phá rừng đã bị Công an T.P Hà Nội bắt vì liên quan đến buôn bán ma túy. Thông tin có được, nếu đối tượng không phạm pháp vì buôn bán ma túy, bị công an bắt giữ, mà chính quyền địa phương, ngành Kiểm lâm xử lý vi phạm hành chính cũng không dễ. Do đối tượng thuộc diện hộ nghèo, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, thì biết lấy đâu ra tiền nộp phạt?!

Việc phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng Mường Phăng không phải mới xảy ra lần đầu. Gần đây nhất (tháng 12/2020) tình trạng phá rừng tại đây cũng đã diễn ra. Báo chí phản ánh, chính quyền địa phương, ngành Kiểm lâm vào cuộc điều tra, xác minh, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính… nhưng rồi “đâu lại vào đó”. Vụ này người dân bản này khai thác, chặt phá; vụ kia người dân bản nọ “đốn hạ”… với nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau. Kết cục là rừng thì mất, môi sinh môi trường, cảnh quan du lịch ảnh hưởng, người dân nghèo bị xử phạt vi phạm hành chính mà không biết đến khi nào có tiền nộp cho Nhà nước?!

Trở lại vụ phá rừng tại bản Nọng Háy, xã Mường Phăng, cán bộ ngành Kiểm lâm, Công an môi trường, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng như lãnh đạo UBND TP. Điện Biên Phủ đều kêu khó. Lý do hiện nay có rất nhiều hộ dân đang sinh sống trong vùng đệm, vùng lõi rừng Mường Phăng. Cuộc sống dựa vào nông nghiệp, ruộng nương ít, phương thức làm nương luân canh… thì việc người dân phá rừng, nhất là với diện tích rừng mới tái sinh rất dễ xảy ra. Thực tế, những diện tích rừng bị phá tại bản Nọng Háy vừa qua chủ yếu là rừng tái sinh, cây rừng còn nhỏ, mật độ thưa, trữ lượng không lớn…

Ngành chuyên môn cho biết, hiện có khoảng 200 hộ dân đang sinh sống trong vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân mất việc làm, họ trở về quê nên đã phá rừng làm nương. Một mặt, đời sống kinh tế khó khăn, nhu cầu về chất đốt hàng ngày lớn, nhận thức pháp luật hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến phá rừng.

Theo ý kiến cơ quan chuyên môn, cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh thì việc giải quyết tình trạng phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng Mường Phăng là không dễ và không thể trong một sớm một chiều. Trước mắt, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sở tại nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Phá rừng là tội ác, là vi phạm pháp luật. Tùy vào quy mô, tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, xác định rõ việc quản lý, bảo vệ rừng không riêng của Ban Quản lý rừng Mường Phăng. Hiện nay, tại các xã đã có Công an chính quy phụ trách địa bàn. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần ban hành quy chế phối hợp với lực lượng này; cần phân vai, phân việc cho các bộ phận cụ thể, rõ ràng. Chỉ riêng cán bộ kiểm lâm thôi có thể không bám nắm hết địa bàn, nhưng khi có các lực lượng công an, bộ đội, dân quân xã… thì việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.

Giải pháp căn cơ là tỉnh cần có chủ trương, chính sách phù hợp để đưa dân vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng đến định cư nơi khác. Việc này tuy không dễ, nhưng muốn bảo vệ tốt nhất, nghiêm ngặt nhất khu rừng đặc dụng này thì khó mấy cũng phải làm.

Như trên đã nêu, hiện có khoảng 200 hộ dân đang sống trong vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng. Khoảng 5 - 10 năm nữa, người dân có nhu cầu lập gia đình, tách hộ… thì số hộ, nhân khẩu không dừng ở con số này. Sống trong rừng, đời sống kinh tế chủ yếu phụ thuộc nông nghiệp thì áp lực lên các cánh rừng là rất lớn.

Một cán bộ ngành Kiểm lâm “than” rằng: Chúng tôi đã nỗ lực tuyên tuyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Đã kiên quyết xử lý hành chính, kể cả truy cứu hình sự các vụ phá rừng, nhưng hàng năm tình trạng phá rừng vẫn xảy ra.

Việc đưa dân ra khỏi rừng rất khó, vì liên quan đến kinh phí làm nhà, bố trí ruộng nương, các công trình phúc lợi, chính sách an sinh… tốn hàng tỷ đồng mỗi hộ. Nhưng nếu cứ để dân sống trong vùng lõi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng như hiện nay thì mỗi cán bộ kiểm lâm ôm một cây rừng mới mong giữ được rừng. Mà điều này thì không thể, vì lấy đâu ra cán bộ kiểm lâm nhiều thế?!.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top