Y tếSức khỏe

Thời tiết nồm ẩm, dịch bệnh gia tăng

10:27 - Thứ Ba, 14/03/2017 Lượt xem: 5037 In bài viết
Những ngày qua, do thời tiết nồm, độ ẩm không khí tăng cao cùng với mưa phùn kéo dài khiến sinh hoạt của người dân Thủ đô bị đảo lộn; tạo điều kiện để các vi rút, vi khuẩn, nấm mốc… phát triển, gia tăng nhiều dịch bệnh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngoài việc giữ sạch nhà cửa, người dân nên tự trang bị những kiến thức phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ.

Trẻ em, người già nhập viện tăng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Khoa Nhi (Bệnh viện Việt Nam - Cuba) chiều 13-3, lượng bệnh nhi đến khám rất đông, tăng khoảng 20-30% so với trước Tết Nguyên đán. Chị Nguyễn Cẩm Chi (ở Yên Viên, Gia Lâm) cho biết, khi thấy con trai 17 tháng tuổi bị ho, sổ mũi, chị nghĩ con bị viêm họng. Không ngờ, chỉ sau 4-5 ngày mắc bệnh, tai con bị chảy mủ. Khi đưa con đến bệnh viện (BV), chị mới biết con bị viêm tai giữa, uống kháng sinh một tuần nhưng không khỏi, các bác sĩ chỉ định chuyển sang tiêm.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân khám cho một bệnh nhi bị viêm phổi nặng vào chiều 13-3.

Bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng khoa Nhi (BV Việt Nam - Cuba) cho biết, trong một tuần thời tiết nồm ẩm, tại đây tiếp nhận hơn 1.200 bệnh nhi với các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa. Những bệnh lý thường gặp là viêm mũi, họng, viêm tiểu phế quản, hen… Ngoài những nhóm bệnh trên, bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân cũng lưu ý, mùa này là thời điểm gia tăng các bệnh liên quan đến dị ứng như: Mề đay, dị ứng cơ địa, viêm mũi dị ứng…; và bệnh do nhiễm vi rút: Thủy đậu, tay chân miệng, cúm, ho gà...

Ngày 13-3, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn số 283/KCB-NV gửi Giám đốc các BV, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh bị ho gà. Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc ho gà, đặc biệt là bệnh nhi khu vực các tỉnh phía Bắc...
Tại Khoa Nhi (BV Việt Nam - Cuba), mỗi ngày đã ghi nhận khoảng 10 ca thủy đậu tại các bàn khám. Ngay trong chiều 13-3, các bác sĩ đã phát hiện 2 ca mắc cúm A và cho sử dụng thuốc tamiflu. “Với những nhóm bệnh hô hấp, triệu chứng tiền khởi phát là ho, sổ mũi, sốt. Nếu chỉ ho đơn thuần, không khò khè, không thở nhanh thì bố mẹ có thể điều trị cho trẻ ở nhà bằng cách vệ sinh mũi họng, uống sirô ho thảo dược. Tuy nhiên, khi thấy trẻ thở nặng nhọc, mệt, nôn, bỏ ăn, bỏ bú phải đưa đến BV gấp.

Không chỉ trẻ em, tại Viện Lão khoa trung ương, BV Đa khoa Xanh Pôn còn tiếp nhận nhiều người cao tuổi với các bệnh thấp khớp, tim mạch, viêm phổi, đau đầu... Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc BV Xanh Pôn khuyến cáo, trẻ em và người già đều có sức đề kháng kém. Do vậy, với thời tiết nồm ẩm thì các bà nội trợ cần xây dựng thực đơn bữa ăn cho gia đình khoa học, hợp lý với đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là tăng cường nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ít chất béo. Hạn chế cho trẻ em, người cao tuổi ra ngoài khi thời tiết mưa phùn, nóng - lạnh thất thường.

Phòng tránh lây nhiễm chéo

Với thời tiết như hiện nay, các BV sẽ khó tránh khỏi tình trạng bệnh nhân đến khám bệnh gia tăng, vì vậy việc phòng tránh lây nhiễm chéo rất quan trọng. Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê yêu cầu, các BV cần phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh; hướng dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân cùng thực hiện để tránh bị lây nhiễm chéo.

Mặt khác, các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ khi đưa con đến khám cần đeo khẩu trang y tế. Tại BV Đa khoa Xanh Pôn, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Thường cho biết, BV thường sử dụng máy hút ẩm, điều hòa nhiệt độ để kiểm soát độ ẩm trong buồng bệnh, phòng mổ, phòng xét nghiệm. Khi độ ẩm trong buồng bệnh giảm, bệnh nhân sẽ dễ chịu hơn, giảm khả năng lây nhiễm chéo, tăng hiệu quả điều trị các bệnh hô hấp, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp mạn tính.

Còn tại mỗi gia đình, để phòng bệnh do thời tiết nồm ẩm, ngoài những lưu ý về dinh dưỡng nêu trên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân, những gia đình có điều kiện nên sử dụng điều hòa hai chiều để giảm độ ẩm, tạo không khí thông thoáng. Ngoài ra, nên đóng kín cửa sẽ hạn chế không khí ẩm vào nhà; thường xuyên thay chăn, ga để phòng tránh nấm mốc, ẩm ướt vì đây có thể là căn nguyên gây các bệnh nguy hại cho sức khỏe.

Ngày 13-3, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, gây mưa rải rác. Phía Đông Bắc Bộ từ chiều 14-3 trời chuyển rét, với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-18 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C. Khu vực Hà Nội có mưa, trời chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-18 độ C. Tình trạng ẩm ướt tiếp tục duy trì những ngày tới.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top