Y tếSức khỏe

Bữa ăn của người Việt vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng

15:06 - Thứ Ba, 23/05/2017 Lượt xem: 5220 In bài viết
Đó là thông tin được Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội nghị truyền thông nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng, diễn ra vào chiều 22-5, tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn hằng ngày của người Việt Nam hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng, chất đạm nhưng không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Do đó, tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn của người Việt như thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu vitamin A là vấn đề cần được giải quyết.

 

Hội nghị truyền thông nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng diễn ra chiều 22-5.

Cụ thể, theo điều tra những năm gần đây của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu máu trung bình ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8%, tỷ lệ này ở khu vực miền núi là 31,2%, nông thôn là 28,4% và ở thành thị là 22,2%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và tỷ lệ này ở phụ nữ không có thai là 25,5%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%. Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi rất cao, lên tới 69,4%, đặc biệt cao ở khu vực miền núi (80,8%), nông thôn (71,6%); ở thành thị thấp hơn, nhưng vẫn lên tới 49,7%…

Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng cho rằng, việc thiếu vi chất dinh dưỡng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Thiếu vi chất dinh dưỡng còn là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới suy dinh dưỡng thấp còi, chậm phát triển chiều cao khi trưởng thành.

Để bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em và bà mẹ sau sinh trong Ngày Vi chất dinh dưỡng (ngày 1 và 2-6) năm nay, Viện Dinh dưỡng đã cấp hơn 7,6 triệu liều viên nang vitamin A cho 63 tỉnh, thành phố. Dự kiến sẽ có gần 5 triệu trẻ từ 6 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi và khoảng 500.000 bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được uống bổ sung viên nang vitamin A.

Cũng liên quan đến vấn đề bổ sung vi chất dinh dưỡng, hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng thực đơn chuẩn để đưa vào trường học, nhằm bảo đảm thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn tại nhà trường. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, từ các thực đơn chuẩn trong trường học, chúng ta sẽ xây dựng thói quen ăn uống khoa học, góp phần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất trong học sinh, bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top