Y tếSức khỏe

Ăn chín, uống sôi để phòng bệnh sán lá phổi

08:56 - Thứ Hai, 18/09/2017 Lượt xem: 6394 In bài viết
ĐBP - Bệnh sán lá phổi được phát hiện từ lâu tại Việt Nam nhưng chỉ xảy ra đơn lẻ ở một số địa phương. Đến năm 1993, tại Sìn Hồ, Lai Châu lần đầu tiên phát hiện ổ bệnh sán lá phổi với 17 ca. Tại Điện Biên, vài năm trở lại đây cũng xuất hiện các trường hợp nhiễm sán lá phổi rải rác ở địa bàn vùng cao. Tuy bệnh có thể chữa trị và không truyền nhiễm nhưng nếu không biết cách xử lý, phòng tránh thì mầm bệnh có thể lây lan ra ngoài môi trường.


Cán bộ Trạm Y tế xã Ta Ma (huyện Tuần Giáo) tuyên truyền người dân thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Sầm Phúc

Sán lá phổi thường ký sinh trên tôm, cua, ốc… nước ngọt, đặc biệt là cua đá sinh sống ở các khe suối. Địa hình rừng núi như Điện Biên là môi trường sống thích hợp của cua đá. Được biết, cho đến nay đã tìm thấy sự có mặt của trên 5 loài ấu trùng sán lá phổi trong vật chủ trung gian là cua đá. Thói quen ăn tôm, cua chưa nấu chín, cũng như ăn gỏi cua, tôm, nước mắm cua… chính là điều kiện để sán lá phổi xâm nhập vào cơ thể người. Các ấu trùng sán xuyên qua thành ống tiêu hoá vào ổ bụng, qua cơ hoành và màng phổi vào nhu mô phổi, rồi làm tổ ở đó. Trung bình, sán lá phổi có tuổi thọ 6-16 năm, hơn hẳn nhiều loại ký sinh trùng khác. Khi đẻ trứng, sán thường chọn vùng phế quản của người. Bằng việc ho, khạc nhổ của người nhiễm, trứng sán được đưa ra ngoài môi trường. Khi gặp điều kiện thuận lợi là nước, trong vòng 16 ngày, trứng sán sẽ nở thành ấu trùng lông. Ấu trùng này sẽ bơi đến những con ốc, cua, tôm để ký sinh và bắt đầu vòng tuần hoàn mới.

Ở Điện Biên, các ca bệnh được phát hiện chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao từng ăn cua nướng bắt được ở khe suối trong khi đi làm nương (thường nướng chưa chín kỹ). Biểu hiện của bệnh là: ho kéo dài, ho khạc đờm lẫn máu kèm đau tức ngực. Trẻ em thường bị sút cân, da xanh, niêm mạc nhợt. Bệnh không tự khỏi, nếu không được chẩn đoán và điều trị đặc hiệu, sán có thể gây thương tổn hoại tử. Nếu sán ký sinh ở các bộ phận khác sẽ gây nhiều biến chứng khó lường, như: ở gan, gây áp-xe gan; ở não, gây những cơn động kinh.

Bệnh sán lá phổi khó phát hiện. Năm 2015, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh tiếp nhận ca nhiễm sán lá phổi đầu tiên là ông Lò Văn T., xã Phu Luông (huyện Điện Biên) với triệu chứng ho khạc đờm, đau tức ngực. 2 lần các bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh lao phổi. Qua khai thác tiền sử ăn uống mới tìm được đúng bệnh. Mặc dù sán lá phổi khó phát hiện nhưng điều trị lại không khó, bệnh nhân thường khỏi sau vài ngày và không có biến chứng.

Để phòng tránh bệnh, bác sĩ Đỗ Quang Hải, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, khuyến cáo: Đây là bệnh rất dễ phòng ngừa bằng cách thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh trong ăn uống (ăn chín, uống sôi), nhất là những nơi có thói quen ăn gỏi và đồ sống; người dân khi có những triệu chứng như trên cần sớm đến các cơ sở y tế để phát hiện và điều trị bệnh triệt để, đồng thời quản lý tốt nguồn phát tán mầm bệnh từ người bệnh. Chúng ta cũng cần mở rộng tuyên truyền về bệnh sán lá phổi cho người dân, nhất là đồng bào vùng cao, đặc biệt là nấu chín, nướng kỹ cua đá trước khi ăn để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top