Y tếSức khỏe

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè

09:02 - Thứ Hai, 09/04/2018 Lượt xem: 7468 In bài viết
ĐBP - Mùa hè, thời tiết nóng ẩm là điều kiện lý tưởng cho côn trùng và một số loại vi khuẩn phát triển mạnh, dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu... là rất lớn. Ðể đảm bảo sức khỏe cho người dân trong mùa hè, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động trong công tác chuẩn bị, sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc men... cho công tác phòng, chống dịch.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ dịch thủy đậu tại TP. Ðiện Biên Phủ với 23 trường hợp mắc; 1 trường hợp bệnh dại tại huyện Mường Nhé; gần 2.000 trường hợp mắc cúm, hơn 1.700 trường hợp bị tiêu chảy... Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết: Ðể chủ động phòng chống các dịch bệnh lớn có thể xảy ra, Trung tâm phối hợp với các đơn vị, địa phương cử cán bộ y tế trực tiếp xuống giám sát tại cộng đồng. Trung tâm cũng đã chuẩn bị sẵn phương án, kế hoạch phối hợp, ứng phó theo tình huống nếu xảy ra dịch bệnh lớn hoặc đại dịch. Ðồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện và sử dụng tốt phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm, phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại tất cả các tuyến; báo cáo từng trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám chữa bệnh. Khi phát hiện trường hợp mắc, Trung tâm thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của dịch bệnh ở từng ổ dịch để có biện pháp phòng chống thích hợp. Tất cả các trường hợp mắc bệnh nhóm A, B đều được lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra, như: Dại, viêm não vi rút... Từ đầu năm đến nay, Trung tâm kiểm tra 7 mẫu mẫu bệnh phẩm đều âm tính với viêm não Nhật Bản. Hiện nay, Trung tâm chuẩn bị 2 tấn thuốc clomin B, hàng trăm lít hóa chất diệt côn trùng, các phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng... sẵn sàng đáp ứng khi có dịch bệnh xảy ra. Trung tâm còn có các văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch bằng việc tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề để người dân hiểu biết và cùng tham gia trong công tác phòng chống dịch bệnh. Các cơ sở y tế cung cấp một số sản phẩm truyền thông như: tờ rơi, pa nô, áp phích nhằm hỗ trợ cho các buổi truyền thông, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng.

Ðể chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, bác sĩ Ðàm Thanh Tú khuyến cáo người dân nên cho con em thực hiện tiêm chủng đối với những bệnh có vắc xin. Ðối với các bệnh không có vắc xin cần tăng cường giữ vệ sinh, thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến đồ ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy. Khi có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Ðặc biệt, đối với bệnh nhân bị chó cắn, nghi nhiễm bệnh dại, sau khi xử lý vết thương cần đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại trong thời gian ngắn nhất.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top