Y tếSức khỏe

Bệnh viêm não Nhật Bản

Tiêm đủ vắc xin để phòng bệnh an toàn

09:03 - Thứ Hai, 18/06/2018 Lượt xem: 6523 In bài viết
ĐBP - Viêm não Nhật Bản là bệnh xảy ra quanh năm, tuy nhiên giai đoạn cao điểm của bệnh thường từ tháng 6 - 8 hàng năm. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi và có diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Ở tỉnh ta, có thời điểm bệnh từng lưu hành trên địa bàn và có 1 trường hợp tử vong vào năm 2016 tại huyện Nậm Pồ, chính vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, cộng đồng, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc xin viêm não Nhật Bản.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Chà thăm khám cho bệnh nhi.

Ông Ðoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Những năm gần đây, bệnh viêm não Nhật Bản diễn biến khá phức tạp. Các cơ quan chức năng đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản rải rác tại các địa phương trong toàn tỉnh; chủ yếu ở một số huyện: Ðiện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông, Mường Chà và TP. Ðiện Biên Phủ. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 22 ca mắc viêm não vi rút, trong đó có 3 ca dương tính với viêm não Nhật Bản. Dù là bệnh nguy hiểm, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, song do nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho trẻ còn hạn chế dẫn đến năm 2016 tỷ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đạt thấp so với kế hoạch đề ra.

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản thấp là do phải thực hiện tiêm đầy đủ 3 mũi, do thời gian tiêm các mũi cách xa, đặc biệt là mũi thứ 3 phải tiêm sau mũi thứ 2 một năm, khiến nhiều phụ huynh quên đưa con đi tiêm đúng thời gian. Trước tình hình đó, cùng với việc giám sát chặt chẽ, phát hiện ca mắc mới tại cộng đồng; Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6 - 15 tuổi, giai đoạn năm 2017 - 2018 tại 4 huyện có nguy cơ cao xảy ra viêm não Nhật Bản, gồm: Ðiện Biên, Nậm Pồ, Mường Nhé và huyện Ðiện Biên Ðông với trên 54.000 trẻ; trong đó, cao nhất là huyện Ðiện Biên (18.728 trẻ), Ðiện Biên Ðông (13.415 trẻ), tiếp đó là huyện Nậm Pồ (12.326 trẻ) và huyện Mường Nhé (10.358 trẻ). Mục tiêu kế hoạch đặt ra, đó là sau khi kết thúc mũi 3 vào năm 2018, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đạt hơn 90%; đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng theo quy định. Ðến thời điểm này, các huyện trên đã hoàn tất việc tiêm bổ sung mũi 2. Trong năm 2018, hơn 54.000 trẻ sẽ được tiêm mũi 3 theo đúng kế hoạch.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc đặc trị mà điều trị chủ yếu nhằm giảm các triệu chứng, cứu người bệnh qua cơn nguy kịch do suy hô hấp, trụy tim mạch, nhiễm trùng. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong và để lại di chứng cao (từ 25 - 35%). Với tính chất nguy hiểm của bệnh, ông Ðoàn Ngọc Hùng khuyến cáo người dân cần chủ động trang bị kiến thức cơ bản về cách phòng tránh dịch bệnh nói chung, viêm não Nhật Bản nói riêng để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có biện pháp phòng tránh muỗi, bởi muỗi là vật trung gian gây bệnh. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng viêm não Nhật Bản theo chương trình tiêm chủng mở rộng hàng tháng. Tiêm đủ 3 mũi: Mũi 1 tiêm khi trẻ 1 tuổi; mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần; mũi 3 tiêm sau 1 năm (kể từ thời điểm tiêm mũi 2). Với 3 mũi tiêm này có khả năng bảo vệ trẻ từ 5 - 7 năm, sau đó nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, nguy cơ mắc bệnh lại tăng lên. Bởi vậy, sau khi tiêm mũi 3, phụ huynh cần tiêm nhắc lại cho trẻ sau 3 - 4 năm, đến khi trẻ được 15 tuổi.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top