Y tếSức khỏe

Nhận thức đúng về lợi ích của tiêm vắc xin bại liệt IPV

09:10 - Thứ Hai, 25/06/2018 Lượt xem: 9151 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 8/1/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình TCMR năm 2018, ngày 12/6/2018, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 766/KH-SYT về việc triển khai tiêm vắc xin bại liệt IPV cho trẻ 5 tháng tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2018 sẽ triển khai đồng loạt tiêm vắc xin bại liệt IPV cho trẻ 5 tháng tuổi tại 130/130 xã, phường, thị trấn theo thời gian tiêm chủng thường xuyên.

 

Tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin cho trẻ là một trong những phương pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất.

Ông Ðoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Từ năm 2000 nước ta đã thanh toán xong bệnh bại liệt nhưng tại một số nước, bệnh này vẫn chưa được thanh toán. Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia đang sử dụng vắc xin bại liệt uống bOPV thì cần sử dụng thêm 1 liều vắc xin bại liệt tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi trong lịch tiêm chủng thường xuyên. Vắc xin bại liệt tiêm là vắc xin bất hoạt, chứa các týp virut bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng vắc xin tiêm. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch “Bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”, bao gồm triển khai vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) và vắc xin bại liệt tiêm IPV trong chương trình TCMR. Từ tháng 6/2016, nước ta đã triển khai cho trẻ em dưới 1 tuổi uống 3 liều vắc xin bại liệt bOPV (vắc xin bại liệt 2 týp) vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên. Tháng 6/2018, vắc xin bại liệt IPV đã được triển khai tiêm cho trẻ 5 tháng tuổi tại 4 tỉnh: Vĩnh Phúc, Ðà Nẵng, Gia Lai, Vĩnh Long. Tiêm 1 mũi vắc xin IPV có chứa cả 3 týp kháng nguyên bại liệt týp 1, 2 và 3 giúp tăng cường miễn dịch đối với týp 1 và týp 3 đồng thời gây miễn dịch phòng bệnh đối với týp 2 cho trẻ sử dụng 3 liều bOPV.

Ðể đảm bảo tiêm chủng an toàn và đạt hiệu quả theo Kế hoạch số 766, ngày 20/6, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng từ tuyến tỉnh đến huyện. Thời gian tiếp theo, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố sẽ đào tạo, tập huấn cho các cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng từ tuyến huyện đến xã, phường, thị trấn về sử dụng vắc xin IPV, giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm. Vắc xin IPV sử dụng trong chương trình TCMR là vắc xin của hãng Sanofi (Pháp) sản xuất, vắc xin đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Vắc xin do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ và được cung ứng bởi Quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF).

Bệnh bại liệt từng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi. Ðây là bệnh do nhiễm vi rút cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa, có khả năng lan truyền thành dịch. Từ sốt, buồn nôn, táo bón... bệnh có thể dẫn đến liệt tủy sống với di chứng tàn tật suốt đời, hoặc liệt cơ hô hấp rồi tử vong. Vi rút bại liệt rất dễ lây qua đường tiêu hóa. Chúng từ người bệnh hoặc người lành mang trùng ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào lây sang người khác qua đường tiêu hóa. Với người không có miễn dịch phòng bệnh, vi rút này có thể từ đường ruột vào xâm nhập cơ thể, nhân lên và gây bệnh. Nhờ triển khai uống vắc xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc xin bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch uống vắc xin bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc ở mức cao (trên 95%), bệnh bại liệt đã dần được khống chế. Ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam từ năm 1997. Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và liên tục duy trì thành quả này đến nay.

Tuy nhiên, vi rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành tại một số quốc gia, việc giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng nên nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt vẫn còn có thể xảy ra. Việc duy trì miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bại liệt là rất cần thiết cho đến khi bệnh được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu. Do vậy, Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo các bậc cha mẹ có trẻ em dưới 5 tháng tuổi cần nhận thức đúng về lợi ích của việc tiêm vắc xin IPV để đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ. Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà không tiêm được theo đúng lịch thì cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm nhắc lại trong thời gian sớm nhất.

Bài, ảnh: Thành Chương
Bình luận
Back To Top