Y tếSức khỏe

Chủ động phòng, chống bệnh sởi

08:31 - Thứ Hai, 09/07/2018 Lượt xem: 7984 In bài viết
ĐBP - Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến ngày 4/7 toàn tỉnh ghi nhận 147 ca mắc sởi; ở huyện Ðiện Biên Ðông và huyện Mường Chà. Ðáng chú ý, ở huyện Ðiện Biên Ðông, đến ngày 7/7 đã có 136 trường hợp mắc sởi. Dịch đã lây tràn ra 11/14 xã, thị trấn; trong đó riêng xã Keo Lôm có 92 trường hợp mắc sởi. Ðối tượng mắc sởi chủ yếu ở lứa tuổi từ 1 - 4, đa số do chưa được tiêm vắc xin phòng sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi (trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi). Nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh sởi khi chưa đủ 9 tháng tuổi.

 

Trẻ em tiêm vắc xin phòng sởi tại Phòng Tiêm chủng vắc xin Safpo.

Theo bác sĩ Ðoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì các trường hợp trẻ mắc bệnh sởi khi chưa đủ 9 tháng tuổi là hiện tượng hiếm gặp. Thông thường trẻ dưới 9 tháng tuổi sẽ được phòng bệnh bằng sức đề kháng của người mẹ truyền cho con. Mặc dù đến nay trong 147 ca mắc sởi chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do biến chứng, tuy nhiên với tình hình bệnh dịch lây lan như hiện nay thì các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý các dấu hiệu bất thường của trẻ để phát hiện kịp thời.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế tổ chức triển khai tiêm vắc xin sởi cho các đối tượng trong độ tuổi ngay từ đầu tháng 7. Trong đó ưu tiên huyện Ðiện Biên Ðông và Mường Chà là nơi đang có ổ dịch, sau đó sẽ triển khai tiếp tại các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé và Mường Ảng là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng hàng năm đạt thấp. Ðồng thời, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn khoanh vùng, chủ động triển khai biện pháp phòng chống dịch sởi; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, nhân lực đáp ứng cho công tác phòng chống dịch bệnh; tổ chức phun hóa chất khử khuẩn Cloramin B tại các bản có bệnh nhân mắc sởi; rà soát, thống kê đối tượng chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi ở các địa phương, nhất là trẻ từ 1 - 4 tuổi.

Về biện pháp phòng ngừa và cách nhận biết, phát hiện sớm khi trẻ mắc bệnh sởi, ông Ðoàn Ngọc Hùng cho biết: Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện do vi rút có trong nước bọt bắn ra không khí, vi rút sởi có thể tồn tại trong môi trường trong vòng vài giờ đồng hồ. Trẻ chưa có kháng thể chống sởi sẽ dễ dàng bị lây nhiễm bệnh sởi. Những trẻ mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho trẻ khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện. Thời kỳ ủ bệnh khoảng 7 - 10 ngày, sau đó người bệnh có biểu hiện sốt đột ngột trên 380C, mắt ướt, nhiều nhử, chảy mũi nước, ho và có thể bị tiêu chảy. Ðặc biệt, khi bệnh toàn phát, sốt rất cao thân nhiệt có thể lên tới 39 - 400C, thể trạng li bì, mệt mỏi nhiều. Khoảng 2 - 3 ngày sau, những đốm sởi sẽ nổi lên ở mặt trong má (đây là một trong những dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi) sau đó xuất hiện ở sau tai rồi lan ra mặt, mắt, cổ, thân và tứ chi trong 1 - 2 ngày. Khi hết sốt, ban sởi bắt đầu mất dần (sởi bay) và sau khi sởi bay có để lại các nốt thâm trên da.

Ông Ðoàn Ngọc Hùng cũng khuyến cáo, bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. Ðối với phụ nữ mang thai, nếu mắc sởi có thể dẫn đến sẩy thai, đẻ non. Do vậy, mọi người cần nâng cao hiểu biết và có nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của bệnh sởi. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh để được tư vấn và xử lý kịp thời. Ðưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh cho trẻ và tạo miễn dịch bền vững, đến tuổi sinh đẻ (đối với nữ) có đủ miễn dịch truyền cho con. Những trẻ đã bỏ sót các mũi tiêm phòng sởi, phụ huynh cần đưa trẻ đến trạm y tế xã, phường để liên hệ tiêm phòng càng sớm càng tốt.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top