Y tếSức khỏe

Nỗ lực tăng tỷ lệ trẻ em được tiêm đủ liều vaccine viêm gan B

15:02 - Thứ Năm, 19/07/2018 Lượt xem: 6204 In bài viết
Mục tiêu của Việt Nam hiện nay là giảm tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B (VGB) ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% trên quy mô toàn quốc theo mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương.

Chiều 18/7, tại TP. Đà Nẵng, Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giám sát và dự phòng Viêm gan virus B, C”.

 

Toàn cảnh Hội thảo.

Tổng quan về tình hình nhiễm viêm gan, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới, cho biết năm 2014, cả thế giới có khoảng 240 triệu người nhiễm viêm gan B mạn tính, trong đó 780.000 ca tử vong mỗi năm. 150 triệu người nhiễm viêm gan C mạn tính, trong đó 350.000-500.000 ca tử vong mỗi năm.

Tại Việt Nam, số người được tiếp cận điều trị viêm gan còn rất hạn chế so với nhu cầu. Theo Bộ Y tế, tháng 7/2017, trong số 7,82 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B mạn tính chỉ có hơn 43.000 ca được chẩn đoán và điều trị trong năm 2017. Còn số người được điều trị viêm gan C là 4.500/991.150 người nhiễm, như vậy là rất thấp.

Ở Việt Nam, hiện nay chưa có hoạt động giám sát một cách hệ thống viêm gan B và C, dù là trong bệnh viện hay cộng đồng. Chính vì thế, Bộ Y tế đang phối hợp với WHO xây dựng hướng dẫn giám sát viêm gan quốc gia.

Bệnh viêm gan B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vaccine sớm và đúng quy định, do đó, tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi là rất quan trọng. Phân tích về tình hình tiêm vaccine viêm gan B ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, là nơi có tỷ lệ nhiễm HBV (viêm gan B) ở người trưởng thành cao nhất thế giới, với tỷ lệ khoảng 6,2%.

Các nước khu vực Tây Thái Bình Dương đã đặt mục tiêu trong năm 2017, tỷ lệ nhiễm HBV ở trẻ dưới 5 tuổi đạt mức dưới 1%. Theo đó, đã có 22 quốc gia đã hoàn thành mục tiêu và 5 quốc gia chưa hoàn thành chỉ tiêu, trong đó có Việt Nam.

Chính vì vậy, mục tiêu của Việt Nam hiện nay là giảm tỷ lệ nhiễm virus VGB ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% trên quy mô toàn quốc theo mục tiêu của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương. Tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh đạt 70% trở lên, duy trì tỷ lệ viêm gan B liều thứ 3 cho trẻ dưới 1 tuổi trên quy mô huyện đạt từ 95% trở lên.

Báo cáo tình hình triển khai tiêm vaccine viêm gan B trong tiêm chủng mở rộng, PGS.TS Trần Như Dương cho biết Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine viêm gan B trong tiêm chủng mở rộng trên khắp 63 tỉnh thành với 100% số huyện trên cả nước bắt đầu năm 2010, đặc biệt đã triển khai tiêm liều sơ sinh từ năm 2003 đến nay.

Với nhiều nỗ lực, tỷ lệ tiêm viêm gan B liều thứ 3 trên cả nước đạt ở mức khả quan, đạt trung bình trên 94% từ năm 2014-2017, tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B trong 24h sau sinh cũng đang tăng dần, đến cuối năm 2017 đạt mức 76,6%.

“Tuy nhiên, điều đáng ngại là tỷ lệ này không đồng đều ở các địa phương mà tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị. Qua thống kê, địa điểm tiêm chủng vaccine viêm gan B sơ sinh tại 10 tỉnh năm 2017, tỷ lệ trẻ em không tiêm vaccine VGB sơ sinh tại một số tỉnh miền núi khó khăn khá cao với tỷ lệ khoảng 50%. Nguyên nhân là do ở các vùng núi xa xôi, trẻ được sinh ra tại nhà mà không phải bệnh viện nên không được tiêm chủng kịp thời trong 24h sau sinh”, PGS.TS Trần Như Dương nói.

Đề cập đến khó khăn trong việc mở rộng tiêm chủng vaccine VGB, PGS.TS Trần Như Dương cho rằng y tế dự phòng với bệnh viện phối hợp chưa tốt: Cụ thể, một số bệnh viện chưa triển khai hoặc triển khai tỷ lệ không cao. Việc tiêm vaccine cho trẻ sơ sinh trong 24h sau sinh thực hiện ở bệnh viện là chính nhưng một số cán bộ y tế tại các bệnh viện còn ngần ngại, trì trệ không tiêm hoặc làm việc cầm chừng dẫn đến chậm trễ.

Do đó, các sở Y tế địa phương cần tăng cường chỉ đạo, tập huấn chuyên môn, quán triệt chủ trương của Bộ Y tế, đồng thời kiểm tra nhắc nhở. Bên cạnh đó, đưa tỷ lệ VGB sơ sinh vào chỉ tiêu của các bệnh viện.

Ngoài ra, ảnh hưởng của phản ứng sau tiêm chủng và việc sinh tại nhà ở vùng núi, vùng khó khăn cũng khiến tỷ lệ tiêm vaccine ở trẻ sơ sinh thấp. “Để giải quyết việc này cần đến yếu tố truyền thông nhiều hơn nữa, tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ y tế bệnh viện, khuyến khích tăng tỷ lệ đẻ ở bệnh viện, thời gian tới chúng tôi sẽ thí điểm tiêm chủng tại nhà để tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vaccine”, PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top