Y tếSức khỏe

Chăm sóc trẻ lúc giao mùa

09:24 - Thứ Hai, 08/10/2018 Lượt xem: 7137 In bài viết

ĐBP - Hiện nay đang vào thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh dễ xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt là các bệnh ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Theo thống kê của Khoa Nhi (Bệnh viện Ða khoa tỉnh), trong tháng 9/2018, Khoa đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho 547 trẻ, tăng 29% so với tháng 8/2018.

 

Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Phương Linh

Vài tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân, nhất là trẻ em đến khám và điều trị bệnh có xu hướng tăng. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nhi điều trị nội trú khoảng 20 - 30 bệnh nhi đến khám các bệnh liên quan đến thời tiết, như: Hô hấp, rối loạn tiêu hóa, viêm họng, viêm phổi... Nhiều trường hợp do bệnh lý của trẻ diễn biến nặng nên phải nằm viện để tiếp tục theo dõi, điều trị. Chị Vừ Thị Di (mẹ cháu Vừ Mỹ Duyên), xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) chia sẻ: Trước khi nhập viện, cháu Duyên có biểu hiện sốt, ho, thở khò khè... nên gia đình đưa đến cơ sở y tế huyện thăm khám và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Ða khoa tỉnh vào ngày 29/9. Sau khi thăm khám các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi. Sau những ngày điều trị tích cực đến nay bệnh tình của cháu đã giảm nhiều, không còn sốt và khó thở nữa.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lò Văn Cương, Khoa Nhi (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) cho biết: Do sức đề kháng của trẻ còn yếu nên các loại vi khuẩn, vi rút rất dễ tấn công. Ðặc biệt, trong giai đoạn giao mùa, thời tiết thường thay đổi đột ngột từ nắng nóng sang lạnh nên trẻ rất dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, viêm phổi... Ðây là các bệnh thông thường nhưng nếu không được điều trị đúng, kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Ðiều đáng nói, nhiều gia đình có tâm lý chủ quan, khi con bệnh nặng mới đưa đến bệnh viện, gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị. Nhất là trẻ em vùng cao, do cha mẹ chưa biết cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, thường cho con lên nương vào mùa nắng nóng... nên rất dễ mắc bệnh.

Ðối với các bệnh về đường hô hấp thì có nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Ðiển hình như viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm do viêm nhiễm của nhu mô phổi thường do vi rút, vi khuẩn gây ra, xuất hiện nhiều vào mùa đông - xuân, bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác; viêm phổi do vi rút có thể gây thành dịch, ở trẻ càng nhỏ, diễn biến bệnh càng nhanh và nặng. Trẻ em bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, dị tật bẩm sinh về tim mạch, phổi, sinh non, sinh thiếu cân... Ở trẻ em, bệnh viêm phổi thường có các triệu chứng, như: Sốt cao 39 - 40oC, nhức đầu, ho khan, thở nhanh, đau ngực, mệt mỏi, nghe phổi có tiếng ran.

Bác sĩ Lò Văn Cương cho biết thêm: Hiện nay, lượt bệnh nhân nhi nhập viện tăng cao, do vậy để tránh lây nhiễm chéo, Khoa Nhi đã sắp xếp lại phòng bệnh, tách riêng bệnh nhân tiêu chảy, hô hấp thành các phòng bệnh khác nhau nhằm hạn chế nguồn lây. Ðể phòng tránh bệnh cho trẻ hiệu quả, đặc biệt là những bệnh liên quan đến đường hô hấp, phụ huynh khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu ban đầu, như: Sốt cao, hạ thân nhiệt, chảy nước mũi, tiêu chảy... nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và có hướng điều trị thích hợp, không nên tự ý dùng thuốc và tìm kiếm trên internet cách điều trị cho trẻ. Ðồng thời, cần tăng cường sức đề kháng bằng cách cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất; giữ vệ sinh cho bé, rửa tay thường xuyên sẽ giúp bé tránh nhiễm bệnh, chăm sóc răng miệng sạch sẽ. Với trẻ bị ho không nên cho trẻ uống thuốc tùy tiện, bởi những cơn ho cũng góp phần đẩy đờm dãi ra ngoài. Cùng với đó, các bậc cha mẹ cần giữ ấm và vệ sinh cho trẻ, người chăm sóc phải rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ để trẻ không bị lây nhiễm vi khuẩn. Dụng cụ cá nhân của trẻ, như: Cốc, thìa, chăn... phải sạch, khô, vô trùng.

Ðể hạn chế thấp nhất những trường hợp trẻ em mắc bệnh mới khi thời tiết giao mùa ngoài sự chủ động vào cuộc của ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, tư vấn và điều trị... rất cần sự chủ động của các bậc cha mẹ trong chăm sóc trẻ, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Phương Linh
Bình luận
Back To Top