Y tếSức khỏe

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Thay đổi hành vi vệ sinh của người dân nông thôn qua công tác truyền thông

09:07 - Thứ Hai, 03/12/2018 Lượt xem: 6758 In bài viết

ĐBP - Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” gồm nhiều nội dung về cấp nước đảm bảo quy chuẩn, vệ sinh nông thôn; đặc biệt là thực hiện vệ sinh toàn xã, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS). Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Ðiện Biên là 1 trong 10 tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu HVS vùng nông thôn thấp nhất toàn quốc. Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu trên địa bàn toàn tỉnh chiếm 71,50%; số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu là 63,99%; hộ gia đình có nhà tiêu HVS trên toàn tỉnh là 43,60%, trong đó một số huyện có nhà tiêu HVS rất thấp, nhiều xã đạt dưới 10%, thậm chí có thôn, bản vùng cao chưa hộ nào có nhà tiêu HVS.

 

Học viên thảo luận, thiết kế nhà tiêu hợp vệ sinh tại một lớp tập huấn do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức.

Thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, hoạt động nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá rất được chú trọng. Các đơn vị chuyên môn đã xây dựng bộ công cụ truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; đào tạo chuyển giao bộ công cụ cho cán bộ địa phương thực hiện; hỗ trợ địa phương phát triển thị trường dịch vụ vệ sinh, nhằm đảm bảo triển khai các loại nhà tiêu HVS, phù hợp với mọi đối tượng; tiến hành các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi trong trường học, trạm y tế và cộng đồng dân cư…

Các đơn vị y tế dự phòng và tuyến y tế cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo truyền thông cho cán bộ nòng cốt tại các địa phương, như: Tổ chức tuyên truyền thay đổi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho các cán bộ nòng cốt tuyến huyện, xã; triển khai hội nghị tuyến tỉnh, tập huấn về nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi cho cán bộ đoàn thanh niên, trung tâm y tế tuyến huyện, lãnh đạo các xã thuộc chương trình. Trong đó, nhấn mạnh cách truyền thông vệ sinh môi trường; kỹ thuật xây dựng nhà tiêu HVS tại các hộ gia đình nông thôn; cách sử dụng nhà tiêu HVS. Sau khi được phổ biến, tham gia tập huấn tuyến tỉnh, các huyện, xã tiếp tục triển khai truyền thông tại cơ sở, đến từng thôn, bản, từng hộ dân.

Tham gia lớp tập huấn truyền thông thay đổi hành vi, nhận thức, ông Cà Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo), cho biết: “Xã Quài Nưa còn nhiều hộ dân chưa có nhà tiêu HVS, đặc biệt là các bản vùng cao. Cuộc sống người dân còn rất nghèo, để đầu tư xây dựng nhà tiêu đúng theo quy chuẩn là điều khó thực hiện. Nhưng với kỹ năng truyền thông mà tôi học được tại lớp tập huấn, tôi sẽ huy động các đoàn thể trong xã cùng tham gia tuyên truyền, giúp cho bà con hiểu về tầm quan trọng của vệ sinh môi trường, đặc biệt là xử lý chất thải hộ gia đình; từng bước nâng cao nhận thức để người dân chủ động quy hoạch, xây dựng nhà tiêu HVS, đảm bảo môi trường sống”.

Cùng với các hoạt động nâng cao năng lực truyền thông, các đơn vị y tế dự phòng (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) còn thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động của Chương trình tại 17 xã; tổ chức 7/7 cuộc giám sát và lấy 56 mẫu nước làm xét nghiệm để đánh giá chất lượng nước theo quy chuẩn tại 7 trạm y tế xã, 21 trường học…

Ông Vũ Ngọc Kiên, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), cho biết: Mục tiêu sau khi triển khai kế hoạch truyền thông 2018 và các hoạt động của chương trình là nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh của người dân nông thôn; cải thiện vệ sinh môi trường, tăng tỷ lệ hộ gia đình làm và sử dụng nhà tiêu HVS; sử dụng nguồn nước sạch, thực hiện hành vi rửa tay với xà phòng trước khi ăn, và sau khi đi vệ sinh; 70% số hộ gia đình có nhà tiêu cải thiện, 80% có điểm rửa tay; 100% trường học, trạm y tế có công trình nước sạch và nhà tiêu đạt chuẩn...

Ðể đạt mục tiêu này, rất cần sự góp sức truyền thông của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và sự nghiêm túc thực hiện, nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của mỗi người dân.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top