Y tếSức khỏe

Không chủ quan khi điều trị chàm cho trẻ nhỏ

09:09 - Thứ Hai, 21/10/2019 Lượt xem: 6544 In bài viết

ĐBP - Viêm da cơ địa (VDCÐ) hay còn gọi là chàm, là bệnh phổ biến ở trẻ em với khoảng 20% trẻ dưới 5 tuổi mắc phải. Vào mùa thu - đông, thời tiết hanh khô bệnh dễ tái phát, làm các vùng da bị chàm trở nên khô, ngứa. Tuy chàm thường không nguy hiểm nhưng nếu các bậc phụ huynh không quan tâm hoặc tự ý điều trị không đúng cách sẽ làm bé càng khó chịu và bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn.

Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ thăm khám cho bệnh nhân có biểu hiện viêm da cơ địa.

VDCÐ thường gặp ở trẻ em từ 2 - 3 tháng tuổi. Triệu chứng ban đầu là những vùng da ngứa, tấy đỏ, xuất hiện các mụn nhỏ li ti như hạt kê tập trung thành từng đám. Các mụn tiến triển thành mụn nước bằng đầu đinh ghim, có thể vỡ ra, chảy nước (còn gọi là “giếng chàm”). Những thương tổn này rất dễ bội nhiễm. Vị trí hay gặp ở má, trán, cằm. Tuy nhiên, có thể lan ra tay, chân, bụng… Tình trạng chàm có thể nặng nề hơn nếu gặp khói thuốc lá, mùi hương, dị ứng với thức ăn, nhạy cảm với quần áo, chất hóa học trong sản phẩm giặt, thay đổi nhiệt độ… Bác sĩ da liễu Nguyễn Thị Hằng, Khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu - Chống độc (Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: “Chàm là bệnh viêm da mạn tính, tiến triển dai dẳng, có đợt rầm rộ, cấp tính, có giai đoạn lắng xuống, âm thầm. Vì vậy, chẩn đoán phải dựa vào nhiều triệu chứng, yếu tố liên quan tuỳ vào từng giai đoạn. Trẻ càng lớn tình trạng chàm sẽ càng nhẹ hơn, nhiều trẻ hết chàm lúc 2 tuổi nhưng nhiều trẻ phải lớn lên mới hết”.

Hiểu biết về VDCÐ của người dân trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn hạn chế. Nhiều người còn chủ quan với các biểu hiện bệnh. Theo truyền miệng dân gian, nhiều phụ huynh cho trẻ em tắm các loại lá cây khiến các tổn thương trên da bị bội nhiễm, mưng mủ, chảy dịch mới đưa con, cháu đi thăm khám, điều trị. Cũng có không ít phụ huynh tự ý dùng thuốc bôi cho trẻ. Các em bé bị chàm thường được kê thuốc bôi có corticoid giúp vùng da ngứa, tấy đỏ nhanh khỏi nhưng vẫn tái phát nhiều lần; lạm dụng corticoid còn có nhiều tác dụng phụ như teo da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sức đề kháng, teo cơ, teo tuyến thượng thận… Vì thế chỉ nên sử dụng khi tình trạng chàm của bé nặng và quá khó chịu, bôi 1 lớp mỏng và dừng sớm khi thấy tình trạng của bé đỡ.

Bác sĩ Hằng khuyến cáo: Các bậc phụ huynh nên đưa con đến bác sĩ da liễu, các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn điều trị sớm. Nguyên tắc điều trị VDCÐ là phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân, phù hợp với từng giai đoạn của vùng da bị tổn thương. Nếu trẻ bị nặng, dùng thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ, sau đó thường xuyên dưỡng ẩm cho da. Khi bị VDCÐ, da của trẻ khô, ngứa làm cho bé gãi nhiều có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Vì thế cần giữ da luôn sạch sẽ bằng cách tắm cho trẻ hàng ngày với nước đủ ấm, không quá nóng. Nhưng tuyệt đối không tắm lá, tắm muối, chanh, chỉ nên tắm gội cho trẻ bằng sữa tắm không có xút, không mùi hương, nhẹ dịu, không tạo bọt. Ðể phòng bệnh tái phát phải thường xuyên dùng các chất dưỡng ẩm (Emollient, moisturizer) nhằm duy trì độ ẩm cho da, ngăn cản sự mất nước qua da, phục hồi các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên. Ðồng thời chú ý chế độ ăn uống cho trẻ hợp lý. Tuy VDCÐ không phải là một bệnh dị ứng nhưng một số trường hợp dị ứng thực phẩm có thể làm tình trạng chàm nặng hơn.

Chàm không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà nhiều người lớn cũng mắc phải và thường diễn biến nghiêm trọng bởi sự chủ quan, tự ý dùng thuốc bừa bãi. Trong thời tiết chuyển lạnh, hanh khô này, người bệnh cần chú ý theo dõi, điều trị các biểu hiện bệnh đúng cách theo hướng dẫn, tư vấn, chỉ định thuốc của bác sĩ chuyên khoa để hạn chế tiến triển xấu của vùng da bị chàm, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt thường ngày.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top