Y tếSức khỏe

Chủ động phòng, chống bệnh lỵ trực trùng

08:48 - Thứ Hai, 28/10/2019 Lượt xem: 7216 In bài viết

ĐBP - Bệnh lỵ trực trùng (hay lỵ trực khuẩn) là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do trực khuẩn shigella gây ra. Dấu hiệu chính của nhiễm shigella là tiêu chảy và phân thường có lẫn máu. Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các vi khuẩn trong phân; từ người bệnh sang người lành trực tiếp qua tiếp xúc hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn…

Các triệu chứng của nhiễm lỵ trực khuẩn gồm: Người bệnh có các biểu hiện sốt cao 38 - 39oC, rét run, nhức đầu, mệt mỏi; ở trẻ em có thể có cơn co giật, chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn hoặc nôn, kèm theo hội chứng lỵ (gồm đau quặn bụng, mót rặn); tiêu chảy nhiều nước. Trường hợp bị bệnh nặng có thể dẫn đến rối loạn nước điện giải, suy tuần hoàn, tử vong. Thời gian ủ bệnh từ 1 - 7 ngày. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 6/10 huyện, thị xã có bệnh nhân mắc bệnh lỵ trực khuẩn với tổng số trên 328 ca; tập trung ở các huyện: Tuần Giáo 19 ca; Mường Ảng 20 ca và Tủa Chùa 264 ca. Các ca bệnh đều được phát hiện và điều trị kịp thời không để lây lan thành ổ dịch.

Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Nguyên nhân của các ca mắc bệnh lỵ trực khuẩn trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xác định do tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc còn lạc hậu, việc ăn, ở mất vệ sinh, phóng uế bừa bãi; tập trung nhiều ở huyện vùng sâu, vùng xa như Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông. Khí hậu mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều cũng là cơ hội cho các loại côn trùng (ruồi, nhặng…) truyền bệnh, vi sinh vật gây bệnh phát triển. Khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên, đơn vị đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện cử Ðội Y tế dự phòng tăng cường giám sát dịch bệnh tại xã phát hiện bệnh; sớm phát hiện các trường hợp nghi mắc lỵ trực khuẩn để điều trị, xử lý triệt để tránh tình trạng hình thành ổ dịch lây lan ra cộng đồng. Ðồng thời, thực hiện giám sát, điều tra dịch tễ, lập danh sách, quản lý, theo dõi tất cả các trường hợp nghi mắc bệnh tại cơ sở y tế. Trung tâm phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác vệ sinh môi trường, kiểm tra, khử khuẩn môi trường, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt tại các hộ có người mắc bệnh bằng cloramin B. Tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực nhiễm bệnh và các xã giáp ranh thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, ăn chín, uống sôi; khuyến cáo những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc lỵ trực khuẩn phải đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Ngoài ra, ngành cũng đã hỗ trợ thuốc kháng sinh điều trị dự phòng cho các đối tượng nguy cơ cao tại các địa phương có người bệnh để hạn chế các ca mắc mới. Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh… Nhờ đó, từ đầu năm đến nay 100% ca nhiễm bệnh lỵ trực tràng được phát hiện và điều trị kịp thời, không để lây lan thành các ổ dịch và không có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, để phòng chống bệnh lỵ trực trùng cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Theo đó người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: Vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống nước đã đun sôi; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh; sử dụng nước sạch, giữ vệ sinh nguồn nước công cộng; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi, xử lý phân, tuyệt đối không dùng phân tươi bón rau. Khi có các dấu hiệu nhiễm bệnh (đau bụng, sốt), người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời...

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top