Y tếSức khỏe

Phòng ngừa các biến chứng của bệnh tăng huyết áp

09:08 - Thứ Hai, 13/01/2020 Lượt xem: 12878 In bài viết

ĐBP - Bệnh tăng huyết áp không đơn thuần là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch tăng mà nó còn kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến tim và động mạch. Theo thời gian, tăng huyết áp nếu không được theo dõi và kiểm soát tốt sẽ gây ra các biến chứng về tim mạch và đột quỵ.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, tính đến hết tháng 12/2019  trên địa bàn huyện có 1.291 bệnh nhân tăng huyết áp. Trong đó, bệnh nhân tăng huyết áp cũ (năm 2018) 967 người; số bệnh nhân phát hiện mới trong năm 2019 là 347 người. Bệnh nhân có bệnh án điều trị thường xuyên tại 2 phòng khám và bệnh viện trung tâm y tế là 422 người. Các biến chứng thường gặp nhất của bệnh tăng huyết áp như: Ðau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, mờ mắt, bệnh động mạch ngoại vi, phình hoặc phình tách thành động mạch... Ðây là những biến chứng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, có khả năng gây tàn phế và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất đối với gia đình bệnh nhân và xã hội. Tăng huyết áp còn nguy hiểm bởi diễn biến của bệnh âm thầm và không có triệu chứng báo trước. Thực tế có nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không hề hay biết. Ðến khi phát hiện thì đã bị mắc các biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc phải chịu thương tật suốt đời. Không ít trường hợp bệnh nhân thấy có triệu chứng đau đầu thì cũng là lúc phát hiện mình bị xuất huyết não, khả năng cứu chữa vô cùng mong manh.

Bác sĩ Thào A Giàng, Khoa Nội (Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ) cho biết: Hiện nay, bệnh tăng huyết áp có xu hướng ngày càng tăng. Các dấu hiệu của bệnh gồm: Huyết áp tối đa trên 140mmHg và huyết áp tối thiểu trên 90mmHg kéo theo các biểu hiện nhức đầu nhiều, chóng mặt, nôn và buồn nôn; đau ngực, khó thở kèm theo hoặc không kèm theo ho và ho ra máu; phù, tiểu ít, lượng nước tiểu dưới 500ml/ngày; mờ mắt, yếu hoặc liệt chân tay, liệt mặt...

Ðể phòng tránh biến chứng do bệnh tăng huyết áp gây ra, bệnh nhân cần tuân thủ theo chế độ điều trị, kê đơn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc. Ngoài ra còn phải thực hiện tốt các chế độ ăn hợp lý, giảm ăn mặn (lượng muối có trong tất cả các loại thức ăn dưới 6g muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày). Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể từ 18,5 - 22,9kg/m2. Hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp (tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày). Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.

Ngoài ra, những người có nguy cơ tăng huyết áp cần thường xuyên theo dõi chỉ số huyết áp của mình bằng cách tự đo với máy đo huyết áp điện tử dễ sử dụng. Khi phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời, chủ động phòng tránh những hậu quả xấu do biến chứng tăng huyết áp gây nên.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top