Y tếSức khỏe

Tự mua bán thuốc - mối họa khôn lường

10:16 - Thứ Ba, 28/04/2020 Lượt xem: 14997 In bài viết

Việc mua bán thuốc phải có đơn chỉ dẫn của bác sĩ, nhưng trên thực tế có không ít người khi bị hắt hơi, sổ mũi, đau bụng hay cảm cúm thông thường liền ngay lập tức ra hiệu thuốc mua được nhiều loại thuốc rất dễ dàng. 

Tình trạng mua bán thuốc tràn lan giữa mùa dịch Covid-19 tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thực trạng này không chỉ gây ra những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe của bản thân người tự ý sử dụng thuốc tràn lan, mà còn gây ra những mối nguy hại lớn tới cộng đồng.

Đua nhau mua thuốc

Những ngày này, khu vực chợ thuốc Hapulico ở phố Vũ Trọng Phụng, Hà Nội luôn đông nghịt người tới hỏi mua các thuốc trị cảm cúm, vitamin tổng hợp và kháng sinh. Dừng xe ghé vội vào một nhà thuốc có biển hiệu Hải Đăng, một phụ nữ đeo khẩu trang kín mít liền nói nhân viên cửa hàng bán cho 3 vỉ thuốc giảm sốt Paracetamol, 2 vỉ kháng viêm và một lọ Bổ phế. Chẳng phải để khách hàng đợi lâu, không cần hỏi đơn thuốc và cũng không yêu cầu khách hàng đo thân nhiệt, khai thông tin y tế ở đâu, mua thuốc làm gì... chưa đầy 5 phút tìm kiếm, nhân viên nhà thuốc đã lấy đầy đủ các loại thuốc theo yêu cầu của “thượng đế”. Trong khi đó, người phụ nữ sau khi trả tiền cũng chỉ hỏi qua loa vài câu về cách dùng, hạn sử dụng, rồi lên xe đi mất hút.

Thực tế việc mua bán thuốc tràn lan, rất dễ dàng đã diễn ra phổ biến ở nước ta lâu nay. Nhiều người có triệu chứng nào đó về sức khỏe là ngay lập tức ra hiệu thuốc, tự mua thuốc uống mà không cần thăm khám của bác sĩ. Trong khi đó, Bộ Y tế đã có những quy định nghiêm ngặt về việc mua bán thuốc phải có đơn của bác sĩ. Tìm hiểu của phóng viên tại không ít nhà thuốc cho thấy, việc mua bán các loại thuốc cảm cúm, giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, giảm ho cho tới các loại kháng sinh đặc trị... rất dễ dàng. Một số cửa hàng thuốc cũng có yêu cầu khách hàng mua thuốc phải khai báo y tế và đo thân nhiệt nhưng chỉ qua loa, lấy lệ.

Theo một số chuyên gia y tế, thói quen tự ý mua, dùng thuốc tràn lan đã khiến nhiều người phải cấp cứu, sức khỏe nguy kịch vì bị ngộ độc thuốc, hay gặp những phản ứng phụ nguy hiểm của thuốc. Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nam trong tình trạng ngộ độc, tụt huyết áp, nôn mửa, lơ mơ... vì đã uống khoảng 15 viên thuốc trị sốt rét Chloroquin 250mg để phòng Covid-19. Theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, việc người dân tự ý mua thuốc chứa hoạt chất Chloroquin/Hydroxychloroquin để điều trị, dự phòng Covid-19 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng. 

Nguy cơ với cộng đồng

Việc tự ý mua bán, sử dụng tràn lan các loại thuốc cảm cúm, giảm đau, hạ sốt, kháng viêm... không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của bản thân mà còn đe dọa, ảnh hưởng nguy hiểm tới cả cộng đồng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Theo các bác sĩ, triệu chứng của người mắc Covid - 19 khá giống với triệu chứng cảm cúm. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, những dấu vết của người mắc bệnh đầu tiên, hay còn gọi là F0 rất mờ nhạt, rất khó truy tìm tiền sử dịch tễ để biết bệnh nhân này có nguy cơ hay không.

Vì vậy, những người có triệu chứng về đường hô hấp như: ho, sốt, chảy mũi, đau rát họng, đau mỏi người cần phải khai báo y tế và được tư vấn bởi cơ quan y tế. Nếu tự ý mua thuốc để sử dụng nhằm trị ho, hạ sốt sẽ vô hình trung làm mất đi triệu chứng bệnh, ảnh hưởng tới việc phát hiện ca bệnh. Nguy hiểm hơn, nếu chúng ta bị nhiễm bệnh trong thời gian sinh hoạt tại nhà, cộng đồng, cơ quan thì có thể làm lây nhiễm cho người khác. Điều này làm cho công tác chống dịch, khoanh vùng các trường hợp nhiễm bệnh trở nên khó khăn.

Thực tế trong số các ca mắc Covid-19 tại nước ta, đã xuất hiện những trường hợp trước khi dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tự ý mua thuốc điều trị làm việc phát hiện bệnh muộn, như trường hợp bệnh nhân thứ 243 ở Mê Linh, Hà Nội. Ca bệnh này, sau khi đưa vợ đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, trở về nhà và có biểu hiện sốt, đau mỏi người đã không thông báo cho cơ quan y tế địa phương, mà tự mua thuốc cảm cúm về uống. Sau đó thấy đỡ nên tiếp tục đi tới nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người khác, gây khó khăn cho việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. 

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo, dịch Covid-19 cùng với các dịch bệnh khác như: cúm A, cúm B, cảm sốt có nhiều triệu chứng ban đầu giống nhau, như: sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, viêm đường hô hấp... nên để phân biệt giữa Covid-19 với cảm cúm thông thường khá khó khăn với người bình thường, Do đó, nếu có nghi ngờ mắc Covid-19, hay có các biểu hiện ho, sốt, đau mỏi người thì người dân cần đeo khẩu trang y tế, tự cách ly tại nhà, sử dụng vật dụng cá nhân riêng và gọi ngay đường dây nóng của Bộ Y tế để được hướng dẫn, tuyệt đối không nên tự mua thuốc về uống.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top