Y tếSức khỏe

Quan tâm bổ sung vi chất dinh dưỡng

09:29 - Thứ Hai, 15/06/2020 Lượt xem: 12686 In bài viết

ĐBP - Ngày Vi chất dinh dưỡng (VCDD ) đợt I năm 2020 tại địa bàn tỉnh ta diễn ra tập trung vào ngày 1 - 2/6, kéo dài đến ngày 10/6. Trong những ngày này, trẻ em dưới 5 tuổi trong toàn tỉnh được uống vitamin A và uống thuốc tẩy giun, đo chiều cao, cân nặng. Qua đó bổ sung vi chất cần thiết và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ, góp phần tư vấn, nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng cho trẻ em.

Bữa ăn đủ chất của học sinh điểm bản Na Côm, xã Hẹ Muông, huyện Ðiện Biên được hỗ trợ trong ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.

Theo số liệu cung cấp của Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) trong đợt I, ngày VCDD, ước tại 130 xã, phường, thị trấn có khoảng 65.000 trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được bổ sung vitamin A, hơn 7.000 bà mẹ sau đẻ 1 tháng được uống vitamin A. Hoạt động này được triển khai tại các trạm y tế xã, trường học, điểm bản. Ðảm bảo tiếp cận tối đa số trẻ và bà mẹ sau đẻ. VCDD là những chất mà cơ thể cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của cơ thể. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: VCDD giúp cơ thể con người khỏe mạnh và phát triển trí tuệ, thể chất, đặc biệt có vai trò quan trọng trong tăng trưởng chiều cao, cân nặng ở trẻ em. Nếu thiếu hụt sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, giai đoạn đầu thiếu hụt hầu như chưa có biểu hiện ra ngoài. Khi có biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài bằng các triệu chứng lâm sàng thì cơ thể đã bị ảnh hưởng bởi những tổn thương khó hoặc đôi khi là không thể điều trị khỏi hoàn toàn. VCDD bao gồm nhiều loại vitamin và khoáng chất, trẻ hay bị thiếu nhất là sắt, vitamin A, i ốt... Thiếu vitamin A gây khô loét giác mạc, có thể dẫn đến mù lòa; thiếu sắt gây thiếu máu; thiếu i ốt gây bướu cổ…

Ðể phòng, chống thiếu VCDD, an toàn và chủ động nhất là bổ sung thông qua thực phẩm, trong từng bữa ăn. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết thêm: “Trẻ em cần sử dụng đa dạng các loại thức ăn, được đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và chất khoáng). Thức ăn cũng nên được thay đổi thường xuyên, có phương pháp chế biến khoa học, phù hợp. Ví dụ vitamin A có nhiều trong các loại hoa quả có màu vàng đỏ như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, gấc… và các loại rau có lá xanh sẫm như rau muống, rau ngót, rau cải… hoặc trong gan động vật, lòng đỏ trứng, thịt”. Ðặc biệt để phòng, chống thiếu VCDD khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh vì sữa non có hàm lượng vitamin A. Và cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Ðây là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ VCDD, đáp ứng được nhu cầu của trẻ.

Trước thực trạng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi trên địa bàn tỉnh ta vẫn cao so với các tỉnh khác, việc bổ sung VCDD càng cần được quan tâm. Theo thống kê năm 2019, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi của trẻ em dưới 5 tuổi toàn tỉnh là 16,2%, tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi là 26,9%. Trẻ suy dinh dưỡng thường không đủ thể lực để tham gia các hoạt động thể chất, học tập. Thậm chí có rào cản trong nhận thức, tiếp thu kém. Ở các địa bàn vùng sâu vùng xa, tỷ lệ này còn khá cao do điều kiện, chất lượng cuộc sống còn thấp. Tuy nhiên nhiều vi chất không ở đâu xa hay phải sử dụng những thực phẩm cao cấp, đắt tiền mà có trong các loại rau, củ, quả, các loại hạt, trứng, thịt phổ biến. Phụ huynh cho trẻ ăn đa dạng, đổi bữa thường xuyên và tham gia đầy đủ các chương trình y tế về dinh dưỡng là đã cơ bản đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Khi cân bằng VCDD, trẻ nhỏ sẽ hạn chế tình trạng biếng ăn, đảm bảo cho phát triển, giúp nâng cao tầm vóc và trí tuệ.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top