Y tếSức khỏe

Bảo vệ sức khỏe khi bệnh hô hấp mạn tính tái phát

14:24 - Thứ Hai, 07/09/2020 Lượt xem: 9663 In bài viết

ĐBP - Thời tiết giao mùa khiến các bệnh mạn tính dễ tái phát, kích ứng gia tăng, như: Hen phế quản, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính… gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng của người bệnh nếu không xử trí kịp thời và điều trị tích cực.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh thăm khám bệnh nhân viêm phế quản mạn tính.

Anh Cà Văn H. đội 4A, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) nhập Bệnh viện Phổi tỉnh từ ngày 1/9 trong tình trạng khó thở, nặng ngực, không thể nằm ngủ mà phải ngồi tựa do không thở được. Anh được chẩn đoán mắc bệnh hen phế quản. Căn bệnh này được anh “tự chẩn đoán” từ lâu do tiền sử gia đình có mẹ mắc bệnh và mỗi năm khi thời tiết giao mùa chuyển lạnh anh lại bị khó thở ở mức độ nhẹ trong khoảng 1 tuần. Anh H. kể lại: “Do chủ quan nên tôi không đi khám, xin tư vấn ở cơ sở y tế nào. Giao mùa năm nay, tôi bị khó thở, dai dẳng kéo dài đã gần 1 tháng. Tôi đi ý mua thuốc cắt cơn hen về sử dụng nhưng chỉ thuyên giảm trong khoảng thời gian ngắn rồi lại tái phát, khó thở không thể nằm được. Ðến khi tình trạng bệnh ngày càng nặng, tôi lo lắng mới nhập viện khám, điều trị. Sau 2 ngày điều trị tôi đã thấy khỏe hơn nhiều, ngủ ngon rồi”.

Cùng điều trị tại Khoa Lao ngoài phổi - Bệnh phổi (Bệnh viện Phổi tỉnh), ông Sùng A Di, bản Nậm Là, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) cũng mới nhập viện. Ông mắc viêm phế quản, điều trị lần đầu tại đây từ năm 2019, đã ra - vào viện nhiều lần. Giao mùa, bệnh của ông tái phát gây tức ngực, khó thở, ho từng cơn khiến ông một lần nữa phải nhập viện điều trị.

Khi thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp. Ðây chính là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh hô hấp hoạt động mạnh, đặc biệt là các đối tượng có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Ðối với các bệnh trên, người bệnh cần tạo môi trường sống trong lành, tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu bia, khói bụi, môi trường ô nhiễm, các tác nhân gây kích ứng. Ðặc biệt bệnh hen phế quản, yếu tố có thể gây kích phát cơn hen là các chất dị nguyên (phấn hoa, lông thú, mạt bụi, ẩm mốc, hóa chất, đồ ăn dễ gây dị ứng...); thay đổi thời tiết, khí hậu, không khí lạnh; vận động quá sức; cảm xúc mạnh (lo lắng, căng thẳng...).

Ðể hạn chế những rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng, các bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh luôn nhắc nhở, khuyến cáo bệnh nhân điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và các bệnh lý kèm theo; khi có những triệu chứng của các bệnh trên cần đến các cơ sở y tế khám, phát hiện và điều trị. Khi tình trạng bệnh có các dấu hiệu tăng nặng, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Người mắc bệnh hen phế quản phải thường xuyên thăm khám định kỳ, thực hiện dự phòng tốt, tránh các chất dị nguyên, tuân thủ điều trị và thường xuyên mang theo thuốc dự phòng.

Ðể phòng tránh bệnh tái phát, đảm bảo sức khỏe trong thời điểm giao mùa, người bệnh cần giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, nhất là cổ, ngực và gan bàn chân; tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió; tránh thức khuya; nghỉ ngơi, thể dục điều độ; không hút thuốc, hạn chế uống nước đá; ăn uống đủ chất… Hiện nhiều người dân vẫn có thói quen tự ý mua thuốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Có người sử dụng đơn thuốc cũ dù không có chỉ định của bác sĩ để uống, điều này hết sức nguy hiểm, có thể làm tăng khả năng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh trong cộng đồng, khiến những người không may mắc bệnh gặp nhiều khó khăn trong điều trị. Do đó khi có các triệu chứng của bệnh, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà phải đi khám bệnh và được bác sĩ kê đơn thuốc, vừa tránh cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng và đề phòng lây bệnh sang những người khác.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top