Y tếSức khỏe

Nậm Pồ chăm sóc sức khỏe nhân dân

09:32 - Thứ Tư, 18/11/2020 Lượt xem: 8180 In bài viết

ĐBP - Nậm Pồ là huyện biên giới, điều kiện kinh tế, giao thông gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được xây dựng, củng cố, đội ngũ cán bộ y tế tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhờ đó, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến mọi người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ y tế xã Na Cô Sa chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Anh Nguyễn

Ðể làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thời gian qua huyện Nậm Pồ đã tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, các trang thiết bị khám chữa bệnh. Trung tâm Y tế huyện được sửa chữa, nâng cấp và đưa vào sử dụng năm 2017 với quy mô 50 giường bệnh, trang thiết bị cơ bản đáp ứng một phần nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Ðầu tư bổ sung các trang thiết bị hiện đại như: Máy X-quang, siêu âm, máy gây mê, máy thở, Monitor theo dõi bệnh nhân, Monitor sản khoa... Toàn huyện có 2 phòng khám đa khoa khu vực: Phòng khám Ða khoa Quân - Dân y khu vực Ba Chà (quy mô 30 giường bệnh); Phòng khám Ða khoa khu vực Si Pa Phìn (quy mô 10 giường bệnh) nhiều trang thiết bị đã được đầu tư cơ bản đáp ứng công tác khám, chữa bệnh. 15/15 xã có trạm y tế, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động chuyên môn cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế luôn được huyện quan tâm, củng cố, kiện toàn và từng bước có phát triển về số lượng, chất lượng. Từ năm 2018 đến nay, đã cử 6 bác sĩ đào tạo chuyên khoa 1; 2 bác sĩ tham gia đào tạo định hướng chuyên khoa; đào tạo liên thông cao đẳng 5 người, liên thông đại học 8 người; hàng trăm lượt viên chức tham gia các lớp tập huấn do các bệnh viện, trung tâm tuyến tỉnh tổ chức tại tỉnh, Hà Nội. Tổ chức 39 lớp tập huấn chuyên môn tại Trung tâm Y tế với tổng số trên 1.505 lượt viên chức, cộng tác viên dân số thôn, bản tham gia… Nhờ đó, trong nhiều năm liên tục, trên địa bàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra; các chỉ số sức khỏe của người dân đã được cải thiện đáng kể…

Na Cô Sa là xã biên giới vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, thông tin liên lạc không được thường xuyên liên tục. Ðịa bàn rộng có nhiều bản xa trung tâm xã. Trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao 79,66%. Tình trạng di dịch cư tự do vẫn còn. Vì thế, Na Cô Sa gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Ông Lò Văn Thỏa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Na Cô Sa cho biết: Trạm đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang với 11 phòng chức năng. Với 7 biên chế; trong đó, 3 y sĩ đa khoa; 1 y sĩ định hướng y học cổ truyền; 1 điều dưỡng cao đẳng; 1 y sĩ sản nhi; 1 nữ hộ sinh. Xác định công tác truyền thông giáo dục sức khỏe là một giải pháp bền vững, lâu dài, Trạm Y tế đã chủ động tham mưu UBND xã chỉ đạo sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể. Phương thức chủ yếu là truyền thông trực tiếp, thăm hộ gia đình, tư vấn, treo băng rôn, khẩu hiệu và qua hệ thống loa phát thanh của xã... Từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế xã tổ chức truyền thông qua hệ thống loa của xã 38 lượt; tư vấn trực tiếp cho 1.715 lượt người; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng 67 buổi. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trạm Y tế xã tham mưu cho UBND xã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh Covid-19. Phối hợp với công an, biên phòng, các trưởng bản, giám sát, điều tra và lập danh sách người dân trên địa bàn đi làm ăn, thăm thân tại Trung Quốc, Lào và các vùng có dịch trong nước về địa bàn để cách ly tập trung và tư vấn cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà cho 140 người... Nhờ đó, tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tương đối ổn định. Hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 (số mắc tiêu chảy 10 ca, giảm 5 ca; thủy đậu 10 ca giảm 37 ca).

Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Giang Binh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cho biết: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác y tế trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế như: Ðịa bàn huyện rộng, dân cư sinh sống không tập trung; người dân không tự giác, không chủ động đến cơ sở y tế khám, điều trị bệnh kịp thời mà tự dùng thuốc nam, chích máu, cúng ma, châm lửa, tại nhà. Ðến khi bệnh rất nặng mới đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị nên gặp nhiều khó khăn trong công tác cấp cứu, hồi sức và tỷ lệ cấp cứu thành công thấp. Các bản vùng sâu, vùng xa rất khó triển khai các chương trình mục tiêu y tế quốc gia (tiêm chủng, khám thai…) như: Bản Huổi Thủng 2 (xã Na Cô Sa); bản Nậm Nhừ 1 (xã Nậm Nhừ); bản Vàng Lếch, Mốc 4, Huổi Tang (xã Nậm Tin)…

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top