Y tếSức khỏe

Tẩy giun định kỳ phòng bệnh giun truyền qua đất

09:02 - Thứ Hai, 23/11/2020 Lượt xem: 8094 In bài viết

ĐBP - Học sinh các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh vừa được tổ chức uống thuốc tẩy giun đợt 2, năm 2020. Học sinh tiểu học là một trong những nhóm nguy cơ của bệnh giun truyền qua đất. Ngoài ra, trẻ chưa đến trường, trẻ em lứa tuổi học đường, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ và người lớn ở một số nghề như công nhân khai khoáng, hái chè đều là nhóm nguy cơ của bệnh này. Vì vậy tẩy giun là hoạt động thường xuyên (hiện trẻ em được tẩy giun 2 lần/năm) để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cán bộ y tế hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học số 1 Na Tông (huyện Ðiện Biên) uống thuốc tẩy giun. Ảnh: Bảo Anh

Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ðiện Biên là tỉnh miền núi, đời sống nhân dân nhiều khó khăn, đặc điểm khí hậu, thời tiết thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, trong đó có ký sinh trùng giun, sán. Hơn nữa những tập quán sinh hoạt chưa khoa học của nhân dân đã tạo điều kiện cho việc nhiễm các bệnh giun sán tăng. Công tác phòng chống giun sán của Ðiện Biên đã được quan tâm từ rất lâu, nhưng là tỉnh khó khăn nên việc đầu tư còn ở mức độ hạn chế, tỷ lệ nhiễm các loại giun sán trong cộng đồng còn cao, đặc biệt là nhóm học sinh tiểu học”.

Không có số liệu điều tra mới và ở nhiều nhóm đối tượng, nhưng theo số liệu điều tra năm 2017 của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và ngành Y tế thực hiện tại Ðiện Biên ở phụ nữ tuổi sinh sản, tỷ lệ nhiễm giun chung là 42,3%, bao gồm giun tóc, giun móc, giun đũa, giun kim. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh cũng phát hiện các trường hợp mắc sán lá phổi, giun xoắn, ấu trùng giun đũa chó mèo…

Theo Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, bệnh giun truyền qua đất gây nên tác hại nguy hiểm như thiếu máu, thiếu vitamin, gầy yếu, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần, khả năng tập trung học tập. Nhiễm giun còn gây các biến chứng tại gan, mật, phổi, gây tắc ruột, xoắn ruột, lồng ruột, giun chui ống mật, giun chui ruột thừa ảnh hưởng đến sức khỏe lao động và sinh hoạt của người bệnh. Theo tính toán của bộ môn ký sinh trùng trường Ðại học Y khoa Hà Nội thì hàng năm bệnh giun truyền qua đất ảnh hưởng đến dinh dưỡng cơ thể như sau: Giun đũa tiêu thụ 28.616 tấn gạo, 31,8 tấn thịt; số máu bị mất do giun móc là 27.798.400 lít; số máu bị mất do giun tóc là 1.461.460 lít.

Giun truyền qua đất được lan truyền bởi trứng, thải qua phân người bị nhiễm. Ở những nơi thiếu vệ sinh, các trứng này làm ô nhiễm đất. Trứng có ấu trùng hoặc ấu trùng xâm nhập vào cơ thể theo 2 đường chính là qua miệng và qua da, bằng một số cách là: Trứng gắn chặt với thực vật khi thực vật không được nấu chín, rửa sạch hay bóc vỏ; trứng đi vào cơ thể thông qua nguồn nước bị ô nhiễm; trứng đi vào cơ thể khi trẻ em chơi với đất rồi đặt tay vào trong miệng mà không rửa tay… Trứng giun móc nở ra ở trong đất, phóng thích ấu trùng khi trưởng thành có thể xâm nhập qua da. Người nhiễm giun móc chủ yếu là do đi chân trần khi đất bị ô nhiễm. Khi vào cơ thể chúng đi chu du khắp cơ thể rồi phát triển thành giun trưởng thành sống ký sinh ở ruột non, ruột già. Thời gian phát triển từ trứng đến giun trưởng thành và sống trong người tùy từng loại giun có thể từ 1 - 15 năm.

Từ năm 2008 đến nay, được sự tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới, tỉnh Ðiện Biện đã được nhận gần 3 triệu viên thuốc tẩy giun cho các nhóm đối tượng học sinh tiểu học, phụ nữ tuổi sinh sản, trẻ em từ 24 - 60 tháng tuổi, qua đó làm giảm tỷ lệ nhiễm và cường độ nhiễm giun, giúp cho các nhóm đối tượng có sức khỏe tốt hơn. Tại các xã vùng cao, tỷ lệ các bệnh liên quan đến giun truyền qua đất những năm gần đây cũng giảm mạnh. Bác sĩ Lò Văn Tài, Phó trưởng Trạm Y tế xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên cho biết: Mặc dù trung bình khám, điều trị cho gần 5.000 lượt người/năm nhưng từ năm 2017 đến nay, Trạm không tiếp nhận ca bệnh nào như thiếu máu, gầy yếu, suy dinh dưỡng, tắc ruột… do giun sán.

Nguyên nhân của bệnh là do tình trạng vệ sinh môi trường kém: Không có nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng nhà tiêu không đúng cách; rác không được thu gom và xử lý; chuồng trại gia súc không hợp vệ sinh, nhiều ruồi nhặng… Và do thói quen, tập quán không hợp vệ sinh; không có thói quen rửa tay; ăn thức ăn chưa được nấu chín, uống nước lã… Vì vậy để phòng, chống bệnh giun truyền qua đất, người dân cần tẩy giun định kỳ và ăn ở vệ sinh, nhà cửa sạch sẽ, ăn chín uống sôi, tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top