Y tếSức khỏe

Vi chất dinh dưỡng với sức khỏe trẻ em

09:05 - Thứ Hai, 30/11/2020 Lượt xem: 7231 In bài viết

ĐBP - Vi chất dinh dưỡng (VCDD) là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho cơ thể đặc biệt là trẻ nhỏ. Vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin A, B, C, D, E… và nhóm các nguyên tố khoáng can xi, phốt pho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng…. Những chất này có nhiều trong các thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật rất phong phú và đa dạng. Nếu trẻ bị thiếu hụt những vi chất này thì sức đề kháng suy yếu làm trẻ dễ mắc các bệnh cấp và mãn tính, chậm phát triển. Vì vậy, việc phòng chống thiếu VCDD là việc rất cần thiết cho mọi người, nhất là ở trẻ em.

Thống kê cho thấy, có hơn 50% trẻ em thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày, điều đó cho thấy bữa ăn truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em trong giai đoạn phát triển. Trong số các vi chất dinh dưỡng, có khoảng 40 vitamin và khoáng chất chịu trách nhiệm cho hầu hết tất cả các quá trình trao đổi chất và phát triển diễn ra trong cơ thể. Ðiều này bao gồm sản xuất năng lượng, phân chia tế bào, sao chép, tăng trưởng, duy trì và chức năng của bộ não, tim, hệ thống miễn dịch, phổi, da, xương, cơ bắp... Vi chất dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp các enzyme và protein giữ cho tất cả các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường. Thiếu VCDD sẽ gây ra rất nhiều tác hại đến sức khỏe, sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ. Có khoảng 90 các VCDD khác nhau và cần thiết cho cơ thể thì vitamin A, sắt, iốt, kẽm và canxi là những vitamin và khoáng chất mà cơ thể trẻ thường dễ bị thiếu nhất, cần được bổ sung đầy đủ.

Ðể giải quyết tình trạng thiếu VCDD cần phải hiểu đúng tầm quan trọng cũng như nhu cầu của VCDD đối với cơ thể trẻ. Ðặc biệt chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ tới 24 tháng đầu đời. Cải thiện bữa ăn hàng ngày có sử dụng muối iốt với 4 nhóm thực phẩm: Protein, lipid, glucid, khoáng chất và các nhóm vitamin. Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm như: thịt, gan, cá, trứng gà, sữa, bơ, kem, các loại rau, củ, quả có màu vàng, đỏ (cà chua, cà rốt, dưa hấu, đu đủ, gấc...), các loại rau màu thẫm (muống, dền, mùng tơi, ngót, các loại cải), dầu cọ và các loại dầu ăn khác. Sắt có trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như: đậu cô ve, đậu nành, các loại rau có lá, bột ngũ cốc... và thực phẩm nguồn gốc động vật như: thịt bò, trứng, gan, ngao, sò, ốc, hến… Những thực phẩm giàu vitamin D gồm: Dầu gan cá, bột ngũ cốc, sữa. Nguồn thực phẩm giàu canxi gồm tôm, tép, cua, cá, rau dền, rau mùng tơi, rau ngót, sữa và các chế phẩm từ sữa... Các nhóm thực phẩm giàu kẽm như: Thuỷ, hải sản (hàu, sò, ngao, tôm cua), gan động vật, lòng đỏ trứng và thịt nạc, thực phẩm họ đậu. Với trẻ nhỏ, để có đủ kẽm nên cho bú mẹ vì chất kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn so với sữa bò. Nguồn vitamin B: Vitamin B1 có nhiều trong các loại hạt họ đậu. Vitamin B2 có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, sữa, các loại rau, đậu. Vitamin B6 có nhiều trong ngũ cốc. Vitamin B9 có trong các loại rau xanh, nấm, đậu, củ, quả, ngũ cốc, thịt và phủ tạng động vật (gan bò, gan gà), Vitamin B12 chủ yếu trong thịt và sản phẩm từ sữa.

Ðể phòng ngừa thiếu VCDD ở trẻ em cần có chế độ dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, cân đối và phù hợp theo từng lứa tuổi. Nên tận dụng nguồn sữa mẹ và đa dạng các loại thực phẩm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày. Khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh để trẻ bú được sữa non vì trong sữa non, hàm lượng vitamin A cao, giúp trẻ khỏe, tăng sức đề kháng và chống được bệnh. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ VCDD, đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng, 1 năm 2 lần; cho bà mẹ sau sinh uống vitamin A liều cao; bổ sung vitamin A cho những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, những trẻ bị tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp dai dẳng. Khuyến khích mọi gia đình sử dụng muối iốt và sản phẩm iốt như nước mắm, bột nêm trong chế biến thức ăn. Phụ nữ có thai cần uống viên sắt - acid folic trong cả thai kỳ.

Hạnh Lê (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top