Y tếSức khỏe

Ẩn chứa nguy hiểm từ thuốc lá điện tử

10:46 - Thứ Ba, 15/12/2020 Lượt xem: 9170 In bài viết

Xu hướng từ bỏ thuốc lá truyền thống chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng, nhất là ở giới trẻ. Song, thực tế thuốc lá điện tử độc hại không kém thuốc lá truyền thống, thậm chí còn ẩn chứa những mối nguy hiểm mà con người chưa hiểu hết và lường trước được.

Tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử hiện nay đòi hỏi phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh những hậu quả về lâu dài. Ảnh: Huy Đạt

Hiểm họa mới từ thuốc lá điện tử…

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) mới tiếp nhận N.H.M (học sinh của một trường trung học phổ thông tại Hà Nội) bị ngộ độc cấp tính sau lần đầu tiên được bạn bè mời sử dụng thuốc lá điện tử. Sau khi sử dụng, M bị rơi vào trạng thái vật vã, kích thích, loạn thần, ảo giác... và được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ xác định, bệnh nhân bị ngộ độc ma túy có trong thuốc lá điện tử với các dấu hiệu điển hình.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thuốc lá điện tử thế hệ mới có mẫu mã đa dạng, cuốn hút nên đang trở thành một sản phẩm “hút” giới trẻ. Những loại này có sạc pin và bộ phận chứa chất lỏng, dung dịch làm nguyên liệu đốt có thể thay thế, đưa vào tùy thích. Đây chính là kẽ hở để thuốc lá điện tử bị “biến tướng”, trộn thêm ma túy. Từ năm 2019, bệnh viện mới bắt đầu ghi nhận các trường hợp nhập viện do ngộ độc ma túy có trong thuốc lá điện tử. Các bệnh nhân khi nhập viện đều có biểu hiện điển hình của ngộ độc ma túy, đó là bị sốc, co giật, ảnh hưởng nặng nề tới hệ thần kinh, tâm thần, tim mạch…

“Điểm tên” một số thành phần có trong thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương Nguyễn Viết Nhung cho hay, trong các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, kim loại, chì, thủy ngân..., nên ảnh hưởng không nhỏ đến hệ hô hấp, tim mạch, não bộ… Đặc biệt, propylene glycol trong thuốc lá điện tử có thể tạo thành propylene oxide - một chất gây ung thư khi được đun nóng.

Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu trung ương) Vũ Nguyệt Minh thông tin thêm, thành phần nicotine có trong thuốc lá điện tử còn gây ra vấn đề rối loạn mạch máu, gây co mạch, giãn mạch bất thường và là nguyên nhân hàng đầu gây lão hóa da sau ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, với những người có sẵn bệnh lý liên quan đến mạch máu, như: Xơ cứng bì, mề đay, vảy nến…, nếu dùng thuốc lá chứa nicotine sẽ khiến các bệnh này nặng lên. Do đó, với những bệnh nhân đang điều trị về da liễu, các bác sĩ đều khuyên họ từ bỏ ngay thuốc lá để phác đồ điều trị hiệu quả hơn.

Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc làm tăng nguy cơ lây truyền vi rút SARS-CoV-2. Thêm vào đó, khi sử dụng chung ống điếu, ống tẩu cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền vi rút trong cộng đồng. Thậm chí, những người hút thuốc khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt, thở máy hoặc tử vong cao gấp 2,4 lần bình thường.

Cần cấm kinh doanh và nhập khẩu

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khám cho bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2015 tại Việt Nam tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong lứa tuổi 13-17 là 1,1%. Đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lứa tuổi 13-17 đã tăng lên 2,6%. Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ lên tới 7%. Điều đáng nói, để thu hút người sử dụng, các hãng thuốc lá quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại. Kèm theo đó là nhiều chiêu thức bán hàng trên mạng xã hội, nhằm thu hút giới trẻ, như: Giá rẻ, thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhiều hương vị...

Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương Nguyễn Viết Nhung cho rằng, trước khi thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới tràn lan trên thị trường cần ban hành ngay quy định cấm vận chuyển và buôn bán. Ngoài ra, tại các cơ sở y tế, cán bộ y tế đóng vai trò then chốt trong tư vấn phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng. Để bảo vệ giới trẻ khỏi tác động của các sản phẩm thuốc lá điện tử, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các sản phẩm này, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội, internet…

Trong khi đó, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang, không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe khi sử dụng, việc lợi dụng thuốc lá điện tử để sử dụng các chế phẩm ma túy có tác động tiêu cực đến xã hội, ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, Bộ Y tế đã có đề xuất cần có biện pháp mạnh cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam. WHO cũng kêu gọi, các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối, bởi các quảng cáo đang gây nhầm lẫn rằng có loại thuốc lá ít hại cho sức khỏe; từ đó xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top