Y tếSức khỏe

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường

09:46 - Thứ Hai, 29/03/2021 Lượt xem: 13630 In bài viết

ĐBP - Là một căn bệnh phổ biến hiện nay và đang có dấu hiệu trẻ hóa bệnh nhân, bệnh tiểu đường đang là mối quan tâm không nhỏ bởi nguy cơ mắc bệnh cao, bệnh không thể khỏi hoàn toàn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó các biến chứng cấp tính có thể kể đến như hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) rà soát hồ sơ bệnh nhân tiểu đường đang quản lý tại khoa.

Theo thống kê tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Ða khoa tỉnh), trong tháng 2 có gần 500 bệnh nhân đến khám và điều trị tiểu đường; trong đó gần 10 bệnh nhân mới. Phần lớn bệnh nhân có tiền sử điều trị bệnh trong thời gian dài, được lập sổ và quản lý tại khoa. Bác sĩ CKI Hán Thị Thanh Thảo, Phó khoa khám bệnh cho biết: Tình trạng rối loạn chuyển hóa lượng đường trong máu và hàm lượng đường trong máu luôn cao, đường không được tích trữ và chuyển hóa sang dạng khác trong cơ thể mà bị đào thải qua nước tiểu hay còn gọi là tiểu đường, đái tháo đường. Bệnh tiểu đường thường có một số triệu chứng như: Thường xuyên cảm thấy cơ thể mệt mỏi, khó chịu, khát nước; đi tiểu nhiều, nhất là vào ban đêm; thường cảm thấy đói quằn quại, ăn nhiều nhưng lại giảm cân đột ngột; vết thương lâu lành do đường trong máu cao ảnh hưởng đến chức năng của bạch cầu; nhiễm trùng do hệ thống miễn dịch suy giảm; mờ mắt…

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường là do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào của cơ thể không đáp ứng với insulin. Bệnh tiểu đường có hai dạng phổ biến là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Trong đó, tiểu đường tuýp 1 là bệnh tự miễn chưa có cách phòng ngừa; tiểu đường tuýp 2 với tỷ lệ mắc cao hơn (90 - 95%) lại hoàn toàn có thể phòng tránh và trì hoãn. Vì vậy, để phòng tránh bệnh tiểu đường thì mỗi người cần hiểu rõ tác hại và có cách phòng tránh cho bản thân, gia đình. Trong đó, việc lập kế hoạch phòng chống bệnh qua thói quen ăn uống và sinh hoạt điều độ để phòng ngừa và sớm phát hiện tiểu đường là rất quan trọng.

Bác sĩ CKI Hán Thị Thanh Thảo khuyến cáo: Ðể đảm bảo sức khỏe cho người bệnh tiểu đường thì chế độ ăn phải đa dạng, bữa ăn phải có đầy đủ các chất như chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ và chất khoáng. Người bệnh nên chọn và ăn nhiều thực phẩm ít làm tăng đường huyết, nhiều chất xơ như: rau xanh, hoa quả ít ngọt như táo, bưởi, ổi...; bổ sung thịt, cá, sữa, với lượng vừa phải. Lượng thức ăn phải tùy theo cân nặng và mức độ hoạt động thể lực của người bệnh; một bữa ăn hỗn hợp gồm chất bột đường và nhiều chất xơ có tác dụng làm hạn chế tăng đường huyết sau ăn. Khi ăn nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no, duy trì ổn định 3 bữa ăn chính trong ngày và bổ sung đầy đủ các vitamin và muối khoáng. Ðối với những người quá cân, béo phì nên giảm ăn và tăng cường tập thể dục để giảm cân; tuy nhiên, nên giảm cân từ từ, không nên giảm cân quá nhanh, đột ngột. Ðối với người gầy thì nên ăn thêm 1 - 2 bữa phụ để tăng cân, lượng thức ăn cũng vừa phải, có thể tăng cường thêm chất đạm hoặc chất béo. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường nên tránh một số loại thức ăn như: Bánh kẹo ngọt, nước giải khát có đường, bánh mì, nhãn, vải, mít...; các loại protein có hại như các loại thịt đóng hộp, các loại thức ăn chế biến sẵn giàu đạm, muối và đường; các loại thức ăn nhanh, gà rán, khoai tây chiên hay thịt xông khói... Hạn chế ăn mỡ động vật, nội tạng động vật, các sản phẩm chế biến từ động vật (giò, chả, đồ ăn nhanh); nên thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều cá vì đây là nguồn cung cấp các chất béo tốt cho cơ thể. Hạn chế uống rượu, bia và giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày.

Trên thực tế có một số bệnh nhân khi bị bệnh tiểu đường rất sợ ăn, kiêng khem nhiều và không dám ăn nhiều loại thực phẩm, lâu dài sẽ làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Vì vậy, để giúp người bệnh kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và giảm được nguy cơ các biến chứng nguy hiểm thì việc hiểu rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị bệnh tiểu đường và cách chọn lựa thực phẩm phù hợp là rất quan trọng.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top