Y tếSức khỏe

Không chủ quan với rối loạn tiền đình

09:06 - Thứ Hai, 10/05/2021 Lượt xem: 14140 In bài viết

ĐBP - Thống kê của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2021, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị nội trú cho gần 100 bệnh nhân bị rối loạn tiền đình. Bác sĩ Lường Văn Tiến, Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền) cho biết: Rối loạn tiền đình là một bệnh lý thuộc hệ thần kinh ngày càng phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa khi ngày càng có nhiều bệnh nhân mới 30, 40 tuổi đã mắc căn bệnh này. Những triệu chứng của rối loạn tiền đình như: Hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng... gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động của người bệnh. Thậm chí rối loạn tiền đình đi kèm với một số bệnh lý như đái tháo đường, huyết áp cao có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, nguy cơ tử vong.

Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh hướng dẫn bệnh nhân rối loạn tiền đình cách giữ cơ thể đứng thăng bằng.

Rối loạn tiền đình là tình trạng rối loạn thăng bằng khi thay đổi tư thế, làm cho người bệnh có những triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng, ù tai, buồn nôn, đi đứng không vững... Ở người cao tuổi, tình trạng này dễ dẫn đến té ngã, đe dọa tính mạng. Với người trẻ, bệnh khiến việc học tập, lao động giảm hiệu quả, năng suất; thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng đối với những người vận hành máy móc, lái xe dễ gây tai nạn...

Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình như: Stress, mất ngủ thường xuyên, tiền sử có bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ gây liệt nửa người... Ngoài ra, những người sống trong môi trường nhiều tiếng ồn cũng có nguy cơ mắc chứng bệnh này. Trong đó, nhân viên văn phòng có tỷ lệ mắc rối loạn tiền đình khá cao, do thường xuyên ngồi làm việc lâu với máy tính mà không có những bài tập cổ, vai, gáy hợp lý, lâu dần sẽ dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ, gây rối loạn tiền đình.

Chị Phạm Hoài Thu, 40 tuổi, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) bị rối loạn tiền đình khoảng 3 năm nay. Ban đầu khi thấy hoa mắt, chóng mặt, chị uống thuốc thấy đỡ nhưng càng về sau bệnh càng nặng, thuốc không còn tác dụng, đi đứng không vững nên chị phải đến điều trị nội trú tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Còn ông Vũ Văn Ngọc, xã Thanh An (huyện Điện Biên) có biểu hiện rối loạn tiền đình song gia đình cho rằng do tuổi cao, sức yếu, lại mang trong người nhiều bệnh mãn tính nên không đưa ông đi khám. Đến khi các triệu chứng trở nên nặng nề hơn, ông Ngọc thường xuyên bị chóng mặt, đi đứng không được thì gia đình mới đưa ông đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để khám.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị chứng rối loạn tiền đình, tuy nhiên, việc điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này rất khó, hầu hết chỉ có thể làm giảm triệu chứng. Để phòng ngừa mắc rối loạn tiền đình, các bác sĩ khuyến cáo: Mọi người cần sống tích cực, lạc quan, tránh lo âu, căng thẳng, đồng thời có chế độ ăn uống khoa học, uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày; ăn nhiều rau, củ, quả có màu xanh, đỏ (như cần tây, bí đỏ, cà chua...). Đối với người đã mắc rối loạn tiền đình cần thường xuyên tập những bài tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ, ăn những thực phẩm có nhiều vitamin B1, B6, C; hạn chế ăn mặn, không dùng chất kích thích (cà phê, thuốc lá, rượu, bia...); lựa chọn nơi ở tĩnh lặng, tránh ồn ào. Nếu có biểu hiện của rối loạn tiền đình cần dừng ngay các hoạt động, nghỉ ngơi thư giãn, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top