Y tếSức khỏe

Phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ trong mùa hè

09:14 - Thứ Hai, 28/06/2021 Lượt xem: 14218 In bài viết

ĐBP - Mùa hè, khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để nhiều loại bệnh do nhiễm vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng bùng phát. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 657 ca mắc tiêu chảy cấp. Trong đó, tập trung nhiều vào các tháng 4 tháng 5 với 309 ca. Bệnh tiêu chảy cấp thường gặp ở trẻ nhỏ, đa số các trường hợp bệnh hồi phục tốt nếu được chăm sóc đúng cách; ngược lại có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như mất nước, rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Mường Chà) chăm sóc bệnh nhi.

Tiêu chảy cấp là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường tiêu hóa, do vi khuẩn gây nên. Đặc biệt trong thời tiết mùa hè hiện nay, trẻ em càng dễ mắc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp. Trong đó, Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa tử vong ở trẻ dưới 2 tuổi. Các nhiễm trùng khác (nhiễm khuẩn hô hấp; nhiễm khuẩn tiết niệu; viêm màng não…); tiêu chảy do thuốc, thức ăn, dị ứng. Ngoài ra do phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt cũng làm tăng nguy cơ tiêu chảy cấp như: Cho trẻ bú chai hoặc không nuôi con bằng sữa mẹ trong 4 - 6 tháng đầu; cai sữa quá sớm; thức ăn, nước uống bị ô nhiễm hoặc không đun chín; không rửa tay trước khi ăn...

Chị Sùng Thị Sế, bản Huổi Tống 1, xã Huổi Lèng (Mường Chà) có con đang điều trị tại khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Mường Chà) chia sẻ: Cháu nhà tôi nhập viện từ ngày 21/6, có biểu hiện bỏ ăn, quấy khóc, sốt nhẹ, đi ngoài nhiều lần trong ngày… Do gia đình chủ quan vì nghĩ cháu chỉ bị sốt thông thường nên mua thuốc về điều trị và sử dụng các bài thuốc dân gian. Khi nhập viện các bác sĩ khám, kết luận cháu bị tiêu chảy cấp, mất nước nhiều nên đã truyền bù nước cho cháu; đồng thời, bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng. Đến nay, tình hình sức khỏe của cháu đã ổn định, bác sĩ cho biết 2 ngày nữa có thể ra viện.

Bác sĩ Mai Văn Trung, Trưởng khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Mường Chà cho biết: Đa phần trẻ nhập viện hoặc đến các cơ sở y tế khi trẻ đã bị mất nước ở thể nặng, một số trường hợp có biểu hiện sốt, co giật vì mất nước quá nhiều gây khó khăn cho quá trình điều trị. Đối với những trường hợp trẻ bị mất nước ở thể nhẹ do tiêu chảy việc điều trị sẽ dễ dàng hơn, chỉ bù nước điện giải bằng đường uống; nhưng ở thể nặng phải bù nước cho trẻ theo đường truyền tĩnh mạch, đồng thời phải bổ sung vitamin, kẽm nhằm tăng cường sức đề kháng cho đường ruột. Vì vậy cha mẹ cần phải theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ hàng ngày khi thấy một trong các biểu hiện: Bỏ ăn, nôn; tiêu chảy cấp khi đi đại tiện 3 lần/ngày phân lỏng màu vàng hoặc hoa cà hoa cải, hoặc toàn nước có thể kèm theo sốt... Cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất tránh tình trạng tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Ngoài ra, để phòng bệnh tiêu chảy cấp nói chung và các bệnh mùa hè cho trẻ nói riêng. Các gia đình cần tắm gội hàng ngày cho trẻ để tránh ngứa ngáy, khó chịu do bụi bẩn, mồ hôi ứ đọng ở trẻ. Chú ý thay quần áo mỗi khi bị mưa ướt hay ra nhiều mồ hôi, nhất là những trẻ hiếu động. Không để trẻ gãi ngứa, tránh làm tổn thương da, nhiễm trùng da. Tránh cho trẻ bị thay đổi đột ngột về nhiệt độ, như từ phòng lạnh bước ngay ra ngoài trời khi thời tiết quá nóng. Không để trẻ nằm điều hòa quá lạnh, mà phải thay đổi nhiệt độ phòng dần dần để cơ thể trẻ thích nghi. Không thốc thẳng quạt vào người trẻ; khi ra ngoài trời, cần cho trẻ đội mũ, nón đầy đủ. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; dùng nước sạch, cấm đổ chất thải nước giặt, rửa đồ dùng của người bệnh xuống ao hồ sông suối. Tăng sức đề kháng cơ thể bằng cách cho trẻ ăn đồ ăn mềm với chế độ dinh dưỡng đủ chất, nhiều rau xanh và hoa quả; bổ sung vitamin. Mọi người đều thực hiện ăn chín, uống sôi, không dùng thức ăn nhiễm khuẩn đặc biệt là gỏi cá, tiết canh...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top