Y tếSức khỏe

Siết chặt quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe

14:18 - Thứ Tư, 04/08/2021 Lượt xem: 13348 In bài viết

Không phải chỉ đến khi những ồn ào về một số sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) bị cho là thổi phồng công dụng, bị dư luận kịch liệt phản đối người ta mới thấy những góc khuất của nó. Tình trạng lộn xộn, bát nháo của thị trường sản phẩm này từ lâu không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng khi họ vừa mất tiền vừa không được bảo vệ sức khỏe.

Thị trường trăm hoa đua nở

Vừa mới đây, trên thị trường xuất hiện hai sản phẩm TPBVSK có tên là viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) và viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo NHẤT LỘC (vỏ hộp màu xanh) đều ghi có công dụng: “Kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19”... Chỉ cần tinh ý, người sử dụng đã có thể phát hiện ra sự bất thường của những sản phẩm này. Theo những quy định hiện hành trong việc cấp phép cho TPBVSK, thực phẩm chức năng thì các loại này không được phép ghi công dụng là “điều trị bệnh” bởi nó không phải là thuốc chữa bệnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ hai sản phẩm này, thời gian qua, trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm TPBVSK ở dạng uống, xịt mũi, xịt họng... có gắn với thành phần xuyên tâm liên mà không biết chất lượng thật-giả thế nào. Lợi dụng một công văn có sai sót của cơ quan chức năng khi đưa một số sản phẩm vào danh mục hỗ trợ điều trị Covid-19, các sản phẩm loại này ăn theo, đẩy giá lên rất cao nhằm trục lợi, dù công văn này hiện đã bị thu hồi.

Tình trạng bát nháo của sản phẩm TPBVSK hiện nay đáng báo động. Trên một số phương tiện truyền thông, đặc biệt trên mạng xã hội như Facebook, loại sản phẩm này đang làm mưa làm gió với những lời quảng cáo không đúng bản chất, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Không chỉ vậy, nhiều tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa tặng quà từ thiện nhưng thực chất là bán TPBVSK, mạo danh danh nghĩa cơ quan y tế, cơ quan quân đội, công an để bán sản phẩm. Một số dược sĩ, bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đã tiếp tay cho một số loại sản phẩm này bằng cách nói quá công dụng của sản phẩm, quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh.

Khi mà thị trường mua bán hàng trực tuyến (online) đang phát triển nhanh bởi sự tiện lợi của nó thì tình trạng sản phẩm không rõ địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, người giao hàng thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo. Người tiêu dùng thì hoàn toàn thiếu thông tin, không có chuyên môn phân biệt thật-giả.

Sản phẩm viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) và viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 logo NHẤT LỘC (vỏ hộp màu xanh) được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo "giả mạo". Ảnh do Cục An toàn thực phẩm cung cấp

Phạt không xuể... cần tăng chế tài

Sau khi nhận được phản hồi về hai sản phẩm đang gây xôn xao dư luận là viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC và viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo NHẤT LỘC, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã vào cuộc kiểm tra và khẳng định hai sản phẩm có đặc điểm và công dụng nêu trên chưa đăng ký bản công bố tại cục. Như vậy, hai sản phẩm này là giả mạo. Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã thu hồi hàng loạt giấy phép chứng nhận sản phẩm có vi phạm như các sản phẩm: TPBVSK Condition Probio của Công ty TNHH Hankol Healthcare Vina; TPBVSK Slim Be và Herbal Be của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Becorp; TPBVSK DETOXMUNE® MAX của Công ty TNHH Tư vấn y dược Quốc tế; TPBVSK của Công ty CP Dược phẩm quốc tế Eva Care gồm: Thảo mộc Trangeva, thảo mộc hỗ trợ giảm cân Gold, Eva care Curcumin Nano, Evacare cao ho; TPBVSK E400 Gold của Công ty TNHH Thảo dược Sao Biển...

Bà Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc nhãn Sâm Báo, Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn, một đơn vị sản xuất TPBVSK lên tiếng: “Tôi cho rằng các nhà sản xuất TPBVSK, thực phẩm chức năng thì ngoài việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, rất cần đạo đức nghề nghiệp vì đây là sản phẩm liên quan đến sức khỏe của người sử dụng”.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực này nêu ý kiến, cần phải siết chặt quản lý loại sản phẩm này. Hiện nay, trên thực tế có rất nhiều trường hợp sản phẩm bị phát hiện vi phạm các quy định của pháp luật, có dấu hiệu giả mạo; khi cơ quan chức năng kiểm tra thì đơn vị trả lời là không liên quan đến sản phẩm. Các chế tài xử lý chưa đủ mạnh nên cũng chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính và cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm đó. Đơn cử, ngay khi Cục An toàn thực phẩm cảnh báo thông tin hai sản phẩm TPBVSK viên uống xuyên Tâm Liên CV19 là giả mạo, Công ty CP Dược phẩm Toàn Lộc đã phản hồi với nội dung: “Công ty khẳng định không đăng ký sản phẩm viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) dưới bất kỳ hình thức nào, không lưu hành, không sản xuất và không bán sản phẩm nói trên”. Trong trường hợp này, thua thiệt hoàn toàn thuộc về người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Chống hàng giả cho rằng: Cần siết chặt quản lý loại sản phẩm này từ khâu thẩm định cấp phép đến thanh tra, kiểm tra trên thị trường. Đặc biệt cần tăng chế tài xử phạt những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này bởi trên thực tế, lợi nhuận mà đơn vị vi phạm thu được từ tiêu thụ sản phẩm này lớn hơn nhiều mức phạt hiện nay”.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ Y tế đã khẳng định: Không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Cục An toàn thực phẩm cũng đã khuyến cáo người tiêu dùng cần tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm TPBVSK qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm. 

P.V (theo QĐND)
Bình luận
Back To Top