Y tếSức khỏe

Phòng, chống bệnh truyền nhiễm mùa mưa

08:29 - Thứ Hai, 16/08/2021 Lượt xem: 14189 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm trên địa bàn huyện Mường Nhé cơ bản được kiểm soát, không có vụ dịch nào xảy ra. Tuy nhiên, bước vào mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động lên kế hoạch, sẵn sàng thuốc men, đảm bảo hóa chất; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé thăm khám sức khỏe, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm.

Bác sĩ Lò Văn Sen, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé cho biết: Mùa mưa, môi trường bị ảnh hưởng khiến nhiều dịch bệnh nguy cơ phát triển, trong đó sốt rét là bệnh phổ biến. Để chủ động phòng dịch bệnh nguy hiểm này, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng huyện đã tăng cường tuyên truyền trên phương tiện truyền thông về dịch bệnh; phun hóa chất khử trùng những nơi có nguy cơ tiềm ẩn dễ bùng phát bệnh; phát tờ rơi, treo pano, áp phích từ huyện đến cơ sở… qua đó, tình hình bệnh sốt rét cơ bản được kiểm soát. Vài năm trở lại đây, không có trường hợp nào tử vong do sốt rét.

Theo bác sĩ Lò Văn Sen, sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do ký sinh trùng gây nên, truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh, mọi người đều có thể mắc bệnh sốt rét nếu sống hoặc qua lại khu vực có sốt rét lưu hành và bị muỗi đốt. Nếu điều trị không đúng cách, bệnh có thể nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng, thậm chí có thể tử vong. Do đó, để phòng bệnh sốt rét hiệu quả, người dân nên tránh muỗi đốt, ngủ phải mắc màn. Bên cạnh đó, phải thường xuyên vệ sinh môi trường quanh nơi ở, loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi bằng cách phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu. Đặc biệt, người dân khi đi làm nương cần mang theo màn để ngủ. Khi thấy các triệu chứng của bệnh, như: Rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét… phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Cũng như bệnh sốt rét, thông thường, cứ đến mùa mưa và sau các đợt mưa lũ, các bệnh đường ruột cũng như các bệnh liên quan đến đường hô hấp, da liễu, tai mũi họng, đau mắt... cũng dễ phát triển. Riêng bệnh tiêu chảy, 6 tháng đầu năm, toàn huyện có 424 ca mắc. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn nước bị ô nhiễm, thiếu nước sạch, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao còn khó khăn, ý thức vệ sinh cá nhân còn hạn chế.

Trước các mối nguy hại từ dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát trong mùa mưa lũ (đường ruột, da liễu, tai mũi họng, đau mắt…), bác sĩ Lò Văn Sen khuyến cáo người dân cần vệ sinh nguồn nước; ăn chín, uống sôi, thức ăn cần được che đậy cẩn thận; tuyệt đối không sử dụng gia cầm, súc vật chết để chế biến thức ăn; không để lẫn thực phẩm sống và thức ăn chín; không nên tắm ở ao, hồ, sông vừa bị lũ, lụt. Cùng với đó, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ gìn vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, với những nơi bị ảnh hưởng trực tiếp mưa lũ, khi nước rút cần làm vệ sinh môi trường nhanh chóng, tập trung thu gom xử lý, chôn xác động vật bị nước cuốn trôi. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn cất gia súc, gia cầm chết. Ngoài ra, người dân sống trong vùng thường xuyên xảy ra mưa lũ cần chuẩn bị thuốc, dung dịch phòng, chống một số bệnh ngoài da, như: Nấm, viêm da, các bệnh do tiếp xúc với nước, đất, bùn chứa vi khuẩn gây bệnh. Khi bị các bệnh liên quan đến da, cần lau rửa bằng cồn sát khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn. Trường hợp sức khỏe bị thay đổi thất thường, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top