Y tếSức khỏe

Chủ động phòng chống bệnh quai bị

09:01 - Thứ Hai, 30/08/2021 Lượt xem: 14482 In bài viết

ĐBP - Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết tháng 7, toàn tỉnh có 26 trường hợp mắc bệnh quai bị, rải rác ở hầu hết các huyện, thị, thành phố. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút quai bị gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp và xảy ra quanh năm nhưng thường gây thành dịch vào mùa đông - xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, xuất hiện ở những nơi đông người như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, khu tập thể... Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là trẻ từ 6 - 10 tuổi. Trẻ em dưới 2 tuổi và người già rất ít khi bị bệnh. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có miễn dịch vững bền tồn tại nhiều năm và rất hiếm khi tái phát. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm bệnh quai bị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới có thể dẫn đến vô sinh, viêm màng não, điếc tai và một số biến chứng hiếm gặp khác.

Cán bộ Trạm Y tế xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) thăm khám, tuyên truyền phòng, chống bệnh quai bị cho người dân bản Huổi Luông (ảnh chụp trước tháng 4/2021).

Sau khi tiếp xúc với vi rút quai bị khoảng 14 - 24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đau họng và đau góc hàm. Tiếp đó tuyến mang tai sưng to, có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài, có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi khuẩn. Bệnh nhân có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản. Nếu được chăm sóc tốt và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ hoàn toàn khỏi bệnh trong vòng 10 ngày, tuyến nước bọt cũng không bị sưng và không hóa mủ. Tuy nhiên, một số trường hợp bị nhiễm vi rút quai bị mà không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết. Bệnh quai bị ít gây tử vong nhưng phụ nữ có thai mắc quai bị có thể bị sảy thai, đẻ non; ở nam giới tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn nặng cả hai bên có thể dẫn đến vô sinh làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Bác sĩ Chuyên khoa I Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Để chủ động phòng tránh bệnh quai bị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố, nhất là những địa bàn có trường hợp mắc quai bị phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện ca mắc mới để kịp thời xử lý. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh cần chủ động cách ly, điều trị kịp thời không để bệnh lây lan, bùng phát thành dịch. Do quai bị chưa có thuốc đặc trị và có nhiều biến chứng phức tạp nhưng phần lớn người dân còn lơ là, chỉ chữa bệnh khi mắc phải chứ chưa có ý thức phòng ngừa bệnh quai bị, vì vậy Trung tâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trực tiếp qua đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; lồng ghép vào các buổi họp thôn, bản; kết hợp tuyên truyền qua hoạt hoạt động khám chữa bệnh cho người dân tại các cơ sở y tế; qua các buổi tiêm chủng mở rộng, hệ thống loa phát thanh của huyện, xã…

Cách phòng bệnh quai bị hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm phòng bệnh quai bị để cơ thể miễn dịch với bệnh quai bị trong một thời gian dài hoặc có thể suốt đời. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp khác như: Thường xuyên rửa tay với xà phòng; bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học; vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp; thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh. Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, nhất là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn...

Bài, ảnh: Đức Thái
Bình luận
Back To Top