Y tếSức khỏe

Phòng bệnh cúm khi giao mùa

08:29 - Thứ Hai, 25/10/2021 Lượt xem: 9682 In bài viết

ĐBP - Hàng năm, vào thời điểm giao mùa, bệnh cúm thường xảy ra có thể gây thành dịch lây lan trong cộng đồng, nhất là những nơi tập trung đông người dễ có nguy cơ lây lan bệnh như trường học, công sở, bến xe...

Cán bộ Trạm Y tế xã Huổi Mí (huyện Mường Chà) hướng dẫn cách phòng, chống các bệnh truyền nhiễm cho người dân trên địa bàn.

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 5.671 ca mắc cúm. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện: Điện Biên (1.291 ca), Mường Chà (902 ca), Tuần Giáo (741 ca), TX. Mường Lay (590 ca)…

Hiện đang vào thời điểm giao mùa nên bệnh cúm có thể sẽ diễn biến phức tạp. Để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp xấu có thể xảy ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng, các cơ sở điều trị nhằm phát hiện các trường hợp mắc bệnh. Tổ chức điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán tác nhân gây bệnh và có biện pháp xử lý triệt để, khoanh vùng khi phát hiện trường hợp mắc cúm, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát ra cộng đồng. Các cơ sở y tế tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc cúm ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu; tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở điều trị; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, phương tiện, vật tư tiêu hao cần thiết để phòng, điều trị bệnh cúm... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh, phát hiện sớm; khuyến cáo, người dân hạn chế đến nơi đông người khi có dịch đề phòng lây lan.

Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Cách chủ động phòng ngừa bệnh cúm tốt nhất là tiêm vắc xin. Vắc xin ngừa cúm có thể sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên. Lợi ích của việc tiêm ngừa cúm là giảm nguy cơ lây bệnh cúm cho gia đình và cộng đồng, giảm ảnh hưởng công việc hàng ngày khi mắc bệnh cúm. Phòng tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh, giảm chi phí nằm viện. Giảm nguy cơ mắc bệnh, tiến triển bệnh nặng ở những người có nguy cơ cao (trẻ em, người già, người mắc bệnh tim mạch, hen phế quản, tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận, ung thư, người sống và làm việc trong môi trường đông người…). Ngoài ra, có thể phòng ngừa bệnh bằng cách mặc ấm khi thời tiết lạnh, hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết, rửa tay thường xuyên, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát… Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top