Y tếSức khỏe

Phòng chống bệnh sởi trong mùa đông xuân

08:28 - Thứ Hai, 13/12/2021 Lượt xem: 9105 In bài viết

ĐBP - Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 10 tháng đầu năm 2021, số trường hợp bị bệnh sởi giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2020, khi toàn tỉnh chỉ ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, mùa đông xuân lại là thời điểm thuận lợi cho vi rút sởi phát triển mạnh và có thể bùng phát thành dịch. Vì vậy, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sởi là cần thiết để tránh những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh tại Phòng tiêm chủng Safpo Điện Biên.

Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Bệnh sởi thường gặp nhất vào mùa xuân, khi nhiệt độ và độ ẩm không khí cao, vi khuẩn dễ sinh sôi và phát triển. Bệnh có tốc độ lây lan từ người sang người rất nhanh chủ yếu qua đường hô hấp, là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể thành dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Khoảng 90% số trẻ tiếp xúc với người mắc sởi sẽ bị lây bệnh. Những trẻ có nguy cơ mắc sởi cao là các bé có thể trạng yếu, trẻ sinh non, không được tiêm phòng vắc xin phòng ngừa đầy đủ. Người lớn và trẻ đã tiêm phòng vắc xin cũng có thể bị sởi nếu cơ thể không đủ miễn dịch với bệnh.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, phổ biến ở trẻ em và là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu không kịp thời phát hiện và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể gây biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong. Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu như ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, sau tai), sưng đau khớp. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, người bệnh dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Để phòng tránh bệnh sởi, người dân cần chủ động giữ vệ sinh cá nhân, luôn rửa tay chân sạch sẽ, tránh tiếp xúc chỗ đông người vào mùa dịch, cách ly với người bệnh... Dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi. Chú ý vệ sinh môi trường như tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi, dụng cụ, vật dụng của gia đình. Nâng cao sức đề kháng bằng chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Cùng với đó, phụ huynh nên cho trẻ tiêm ngừa phòng sởi đầy đủ; mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu trẻ trong độ tuổi nêu trên chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc mới tiêm 1 mũi thì cần được tiêm chủng càng sớm càng tốt, khoảng cách giữa 2 mũi tối thiểu là 1 tháng. Đối với người lớn cần chủ động đi xét nghiệm nếu chưa có kháng thể trong máu thì nên tiêm vắc xin để phòng bệnh.

Trong trường hợp mắc bệnh sởi, người dân cần thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày; không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa... đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch nhà cửa, đồ đạc bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày. Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top