Bắn súng Việt Nam - Hồng tâm gần mà xa

15:48 - Chủ Nhật, 31/07/2016 Lượt xem: 3067 In bài viết

Bắn súng đang là môn trọng điểm của thể thao Việt Nam về Olympic. Chưa ai vội khẳng định môn này sẽ đạt được huy chương nhưng ít nhiều, xạ thủ bắn súng là những người tạo được sự kỳ vọng với người hâm mộ.

Dấu hỏi tâm lý

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2016 - ông Trần Đức Phấn từng chia sẻ “sau Olympic 2012, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng giãi bày rằng thời điểm quan trọng nhất để có thể siết cò nhắm bắn thì cũng có thể đạt được điểm 7 ở hồng tâm. Tiếc rằng, chúng ta đã không đạt được thành tích như mong muốn và Vinh xếp hạng 4 đầy nuối tiếc tại London-Anh năm đó”. Sau 4 năm, đội bắn súng Việt Nam tiếp tục là những người đầu tiên giành vé chính thức dự Olympic 2016 trong tất cả các môn của thể thao chúng ta.

 

Xạ thủ Xuân Vinh.

Hai xạ thủ Xuân Vinh, Quốc Cường đạt được chỉ tiêu suất Olympic 2016 đúng như sự chuẩn bị. Phải thấy rằng, bắn súng Việt Nam, đặc biệt là nội dung súng ngắn nam, đã và đang được đầu tư nhiều của ngành thể thao (được rót nhiều tỷ đồng). Vì sớm đạt vé Olympic 2016 nên 2 xạ thủ Vinh và Cường có nhiều thời gian hơn thi đấu các giải thuộc hệ thống ISSF World Cup của bắn súng thế giới, các giải trong châu lục và được tập tại nước ngoài. Ít ai biết, trong quãng thời gian đang tập huấn chuẩn bị cho Olympic 2016 tại Hàn Quốc (ở tháng 6), HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung đã phải thay đổi sớm kế hoạch đưa VĐV về Việt Nam một vài ngày. Hỏi cắc cớ mới biết, Ban huấn luyện phải điều chỉnh tâm lý vì VĐV đi xa nhà lâu ngày cũng có những tác động nhiều nên không thể rèn như một chú robot. Sau quãng ngắn ngày ở Việt Nam, họ lại lên đường trở lại Hàn Quốc rồi đi Mỹ tập huấn và di chuyển đến Brazil nhập làng VĐV.

Về chuyên môn giỏi hay không giỏi, giới làm nghề chuyên sâu bắn súng biết rõ năng lực của mỗi xạ thủ Việt Nam. Chúng tôi chỉ muốn nói ở đây là yếu tố VĐV bắn súng vẫn chưa thể cởi bỏ áp lực tâm lý trong các kỳ đại hội lớn. Lấy lý do tập bia giấy, bắn bia điện tử để giải thích sẽ không ổn thỏa. Bởi vì, những xạ thủ tốt nhất luôn được đi tập huấn nhiều tại nước ngoài. Họ đã quen thuộc với bia điện tử đáng kể. Hai khoảnh khắc bắn súng Việt Nam tiếc nhất vào lúc này (đều thuộc về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh) là tại Asian Games 2010 (Xuân Vinh bị cướp cò nên không đạt được HCV) và Olympic 2012 (Xuân Vinh đứng hạng 4 bài bắn 50m súng ngắn bắn chậm, thua VĐV xếp hạng 3 có 0,1 điểm tại chung kết). Lần này, ai cũng mong tâm lý đã được cởi bỏ để xạ thủ vươn lên thứ hạng cao.

 

Xạ Thủ Quốc Cường.

Có lập kỷ lục?

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường là 2 người lớn tuổi nhất trong các VĐV Việt Nam dự Olympic năm nay. Ở tuổi ngoài 40, họ đã có những tấm huy chương cao nhất trong nước, SEA Games, châu Á. Thành tích Olympic vẫn còn là cột mốc tất cả mong chờ. Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Hồng Minh từng chia sẻ “tại Olympic 2016, sau cử tạ, tôi chờ đợi bắn súng là môn có triển vọng giành được huy chương. Biết là khó nhưng họ vẫn là người có cơ hội sáng sủa”.

Ở cái tuổi ngoài tứ tuần, hiện tại, xạ thủ Xuân Vinh và Quốc Cường đều đã được bổ nhiệm vai trò quản lý trong đội bắn súng tại đơn vị chủ quản của mình. Kể như, đây là Olympic cuối và cũng là một trong những lần thi đấu trong màu áo Đội tuyển Quốc gia cuối cùng của họ. Môn nào cũng vậy, VĐV nếu suýt soát đạt huy chương Olympic thì chỉ được nhớ tới thức thời.

Nhưng đã giành được huy chương Olympic, họ là một biểu tượng lịch sử được nhắc mãi. HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung rất khiêm tốn chia sẻ “chúng tôi đặt mục tiêu trước mắt giành vé đứng trong 8 xạ thủ dự chung kết nội dung thi đấu. Điều đấy mới quan trọng vì đó là tiền đề để VĐV phấn đấu xa hơn chứ không sẽ bị ngợp vì tâm lý”.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top