Trải nghiệm quý giá cho cầu lông Việt Nam

14:38 - Thứ Tư, 22/02/2017 Lượt xem: 4147 In bài viết
Giải vô địch đồng đội nam nữ Châu Á 2017 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, khép lại với dấu ấn về tổ chức cũng như tình yêu của khán giả Việt Nam dành cho môn cầu lông. Đội tuyển cầu lông Việt Nam, dù dừng chân ngay từ vòng loại nhưng cũng đã thu được trải nghiệm quý giá.

Kết cục được báo trước

Khi đăng cai giải đấu này, nhà tổ chức không quá kỳ vọng rằng các tay vợt Việt Nam sẽ tạo nên bước đột phá về thành tích. Đơn giản bởi giải đấu này quy tụ nhiều đội thuộc hàng mạnh nhất thế giới chứ không chỉ ở Châu Á. Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á cũng có những tên tuổi được nể vì như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Tất cả đều có lực lượng trội hơn Việt Nam. Thế nên, khi rơi vào bảng đấu có Thái Lan, Nhật Bản (đội sau đó lên ngôi vô địch), Philippines, Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành chiến thắng trước Philippines mà thôi.

 

Đôi VĐV nam nữ Đỗ Tuấn Đức - Lê Thu Huyền đã thể hiện được khả năng của mình tại giải đấu.

Nhưng, để đánh giá được thực lực của cầu lông Việt Nam thông qua giải đấu này thì phải trông vào những trận đấu với Nhật Bản, Thái Lan. Cuối cùng, thất bại 0-5 trước Thái Lan, Nhật Bản và chiến thắng chật vật 3-2 trước Philippines đã cho thấy cầu lông Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cầu lông châu lục. Với việc đội Thái Lan lọt vào đến trận bán kết tại giải năm nay, cầu lông Việt Nam hầu như không có cơ hội giành HCV tại SEA Games 29 vào tháng 8 tới.

Tuy nhiên, đánh giá về đội tuyển Việt Nam tại giải đấu này, giới chuyên môn đều cho rằng các tay vợt chủ nhà có thể làm tốt hơn nếu thay đổi nếp tư duy hiện tại. Nhiều tay vợt tự thua ngay từ khi chưa vào trận khi nghĩ mình không thể thắng đối thủ, dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp từ việc ăn, ngủ, tập luyện. Không tập đủ khối lượng, thiếu sự cạnh tranh, nhất là ở cấp CLB, dẫn đến cảnh thua sút về thể lực và không thể theo được tốc độ của trận đấu khi đụng phải đối thủ mạnh. Chủ nhiệm CLB Cầu lông Hà Nội Dương Thị Liên khẳng định: "VĐV Việt Nam có tố chất tốt và họ hoàn toàn có thể bắt kịp các đối thủ nếu tin mình có thể làm được. Ngay ở giải vừa qua, việc đôi nam nữ Đỗ Tuấn Đức - Lê Thu Huyền so đọ ngang ngửa với đôi VĐV Nhật Bản là ví dụ rõ nhất. Phạm Cao Cường cũng đủ yếu tố để có thể thay thế Nguyễn Tiến Minh trong tương lai. Vấn đề là VĐV Việt Nam phải dứt bỏ suy nghĩ rằng mình thua kém".

Thay đổi tư duy và cách làm

Sau Giải Cầu lông đồng đội nam nữ Châu Á, vào đầu tháng 3 tới đội tuyển cầu lông Việt Nam sẽ tập trung đợt 1 (kéo dài đến tháng 5), mở đầu cho kế hoạch tập trung dài hạn trong năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1997 đội tuyển quốc gia được tập trung dài hạn thay vì chỉ tập trung ngắn ngày trước mỗi giải đấu quốc tế. Việc tập trung dài hạn đội tuyển nhằm nâng cao khả năng chuyên môn cho các tuyển thủ khi được huấn luyện bởi các chuyên gia giỏi, và cũng là để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong đội.

Theo các chuyên gia, việc tập trung dài hạn đội tuyển bắt nguồn từ việc VĐV ít chịu sự cạnh tranh ở cấp CLB - nguyên nhân làm hạn chế động lực tập luyện và thi đấu của VĐV, khiến họ bằng lòng với trình độ của mình. Tuy nhiên, khi tập trung ở đội tuyển quốc gia để chuẩn bị cho các giải quốc tế, nơi có sự đào thải cao hơn thì VĐV sẽ phải nỗ lực để giữ vị trí. Theo HLV Dương Thị Liên, điều quan trọng nhất khi tập trung đội tuyển là phải duy trì sức ép cần thiết, những VĐV không đáp ứng được về chỉ số thể lực sẽ phải rời đội để nhường chỗ cho những VĐV khác có thành tích quốc nội kém hơn nhưng bộc lộ khả năng phát triển về lâu dài. Chỉ có như vậy thì tư duy của VĐV mới thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì ngay từ bây giờ, khâu tuyển chọn VĐV cho đội tuyển cũng cần thay đổi. Theo đó, việc tuyển chọn cần được giao cho ban chuyên môn cùng HLV trưởng thay vì nhà quản lý "nhét" một loạt VĐV vào tay HLV trưởng. Hiểu cách khác, sự tự quyết, tự chịu trách nhiệm của HLV trưởng cần được đề cao.

Rõ ràng là cầu lông Việt Nam có thể có được vị thế tốt hơn hiện tại trong làng cầu lông châu lục (hiện chỉ được xếp vào nhóm 3) nếu cách làm của nhà quản lý và cách nghĩ của VĐV thay đổi.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top