Nhìn lại lượt đi Toyota V-League 2017: “Dấu ấn” trọng tài

16:34 - Thứ Ba, 18/04/2017 Lượt xem: 5105 In bài viết
Lượt đi V-League 2017 khép lại sau vòng 13. Và, như thường lệ, trọng tài lại là nhân vật chính của giải đấu cao nhất Việt Nam. Thậm chí, mùa giải năm nay những ồn ào quanh trọng tài xuất hiện với cường độ dồn dập hơn, cao hơn khi đây mới chỉ là lượt đi chứ chưa phải là lượt về đầy nóng bỏng, lắm toan tính hậu trường. Ông Ngô Quang Sang - cựu HLV CLB Long An đúc kết: “Trên sân, đáng lý hai đội bóng mới là nhân vật chính nhưng nhiều trận đấu trọng tài lại là nhân vật chính” sau trận Long An gặp TPHCM.

Ngay khi V-League 2017 khởi đi, những ồn ào quanh các quyết định của trọng tài đã xuất hiện và cứ thế hầu như vòng đấu nào cũng xuất hiện trên mặt báo như một đợt “dịch”. Đỉnh điểm nhất hẳn nhiên phải kể đến cách phản ứng dữ dội của CLB Long An đối với trọng tài Nguyễn Trọng Thư trên sân Thống Nhất vòng 6. Một loạt án điểm được đưa ra nhưng trọng tài vẫn như “ngòi nổ” ở các trận đấu, khắp Bắc-Trung-Nam, từ CLB thấp cổ bé họng đến các đại gia đều phản ứng trọng tài. Kết sổ lượt đi V-League 2017 là việc quyền chủ tịch CLB TPHCM Công Vinh càm ràm cách cầm còi của trọng tài Ngọc Châu, dù TPHCM thua tâm phục 1-4 trước Khánh Hòa.

 

Lượt đi trở nên hỗn loạn vì công tác trọng tài có vấn đề.

Đơn vị tổ chức giải là VPF tìm cách chi phối cách phân công trọng tài, sau sự cố trên sân Thống Nhất vòng 6. Theo đó, trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi không còn được độc quyền chọn trọng tài cho từng trận đấu, mà phải chia sẻ quyền lực với 3 nhân vật khác tới từ VPF. Tuy nhiên, trọng tài vẫn rơi vào tâm điểm của các chỉ trích từ nhiều đội bóng, như Thanh Hóa, HA.GL…, thậm chí với mật độ dày hơn, đến từ các đội bóng tưởng “ngoan” nhất như HA.GL. Có cảm giác, vòng nào trọng tài không được nhắc tới là “ăn cơm không ngon”! 

Thời ông Mùi còn toàn quyền phân công, hay cho đến nay (về lý thuyết) đã có đến bốn người quyết định việc chọn trọng tài cho từng trận đấu thì vẫn không thay đổi được điều căn bản: Các đội bóng dường như vẫn không tin vào tiếng còi của trọng tài, nhìn nhận tiếng còi của trọng tài theo hướng “tư tưởng” chứ không phải đơn thuần chuyên môn, hoặc trọng tài vẫn là chiếc phao lý tưởng để các đội bóng “xẻ thịt” khi thất bại, bất chấp nhiều tấm gương nhãn tiền, bất chấp đúng đến đâu và sai đến đâu. Và đây mới là vấn đề đau đầu thực sự của bóng đá Việt Nam trên con đường xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp.

Xây dựng niềm tin giữa các thành viên tham gia sân chơi chung chưa bao giờ thấy khó như hiện nay…

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top