Đầu tư trọng điểm cần hiệu quả

15:37 - Thứ Tư, 17/04/2019 Lượt xem: 5533 In bài viết

Nhằm mục tiêu Đoàn thể thao Việt Nam giành vị trí chung cuộc trong tốp ba tại SEA Games 30 tổ chức tại Phi-li-pin vào cuối năm nay, Tổng cục Thể dục Thể thao đã quyết định đầu tư trọng điểm cho 66 vận động viên (VĐV) có khả năng giành huy chương vàng (HCV) và xa hơn là hướng tới các giải đấu đẳng cấp châu lục, Ô-lim-pích và thế giới. Tuy đầu tư tập trung, nhưng cách làm có vẻ vẫn không nhiều thay đổi.

Cách đây hai năm, VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên đã giành tám HCV tại SEA Games 29, song tuyển thủ bơi lội số một của Việt Nam vẫn chưa tỏ ra hài lòng vì không hoàn thành nhiệm vụ giành 10 ngôi vô địch cá nhân. Để Ánh Viên duy trì được phong độ như ở hai kỳ SEA Games trước (cùng giành tám HCV), Tổng cục Thể dục Thể thao đã đưa kình ngư này trở lại Mỹ tập luyện từ ngày 8-3 vừa qua. 


SEA Games vẫn là đấu trường vừa sức nhất với Ánh Viên, bởi thế lãnh đạo ngành thể thao đã quyết định đầu tư số tiền khoảng 180 nghìn USD, thậm chí nhiều hơn cả kinh phí cấp cho toàn bộ đội tuyển điền kinh với hàng chục VĐV, với mục tiêu là giành 13 đến 15 HCV. Mặc dù tốn kém như vậy, nhưng chi phí tập huấn của Ánh Viên đã giảm một nửa so với hồi năm ngoái để nhằm mục tiêu tranh HCV ASIAD, song đã thất bại. 

Thực tế, số tiền lên tới 350 nghìn USD mà thầy trò huấn luyện viên (HLV) Hoàng Anh Tuấn sử dụng trong năm 2018 cũng chỉ được xem là bước đệm để chuẩn bị cho SEA Games 2019. Kể từ năm 2016, khi Ánh Viên được xem là đạt phong độ tốt nhất thì thành tích cũng chưa đủ để cạnh tranh HCV với các VĐV hàng đầu châu lục đến từ Nhật Bản, Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân khiến Ánh Viên không nâng cao được thành tích dù đều đặn tập huấn tại Mỹ là bởi công tác huấn luyện vẫn không có nhiều thay đổi. Báo chí cuối năm 2018 đã nhiều lần đặt câu hỏi tại sao không thuê chuyên gia nước ngoài mà vẫn phải đưa Ánh Viên sang Mỹ tập huấn tốn gần 10 tỷ đồng để rồi trắng tay tại ASIAD? Tưởng chừng kế hoạch tập huấn của Ánh Viên ở Mỹ đã “đổ bể” thì đầu năm 2019, ngành thể thao lại quyết định đưa VĐV này sang Mỹ. Tuy nhiên, chi phí lần này đi Mỹ đã cắt giảm một nửa. Hiện nay Ánh Viên đang tập huấn tại Mỹ và có thể đánh giá được hiệu quả đợt tập huấn vào tháng 7 tới ở Giải bơi vô địch thế giới do Hàn Quốc đăng cai. Việc cử Ánh Viên cùng HLV Hoàng Anh Tuấn đi Mỹ cho thấy lãnh đạo ngành thể thao vẫn hoàn toàn tin tưởng vào kế hoạch tập huấn mới, mặc dù Ánh Viên bị không ít VĐV trẻ vượt thành tích tại Giải bơi vô địch quốc gia nằm trong khuôn khổ Đại hội thể thao toàn quốc hồi cuối năm 2018 vừa qua. Như ở cự ly 100 m bướm nữ, người vô địch và phá kỷ lục đại hội là Mỹ Thảo (Bình Phước) đã vượt qua Ánh Viên 3% giây. Ở một số nội dung sở trường như 100 m tự do, 200 m hỗn hợp, kình ngư này vẫn không có đối thủ, chỉ tiếc là thành tích của Ánh Viên đã kém xa kỷ lục cá nhân lập được trước đây. Cũng cần nhắc lại, ở nội dung 50 m bơi ếch tại Đại hội thể thao toàn quốc 2018, Ánh Viên đã không qua nổi vòng đấu loại vì tham dự quá nhiều nội dung. Như vậy, nếu không thay đổi phương pháp huấn luyện, Ánh Viên sẽ khó lập lại thành tích tám HCV của hai kỳ SEA Games trước. 

Bên cạnh Ánh Viên và HLV Hoàng Anh Tuấn, Tổng cục Thể dục Thể thao đã đầu tư trọng điểm cho 65 VĐV và 26 HLV khác của 18 môn thi đấu. Mỗi VĐV này được đầu tư tiền ăn 400 nghìn đồng/ngày và tiền công 500 nghìn đồng/ngày, HLV được hưởng chế độ ăn 400 nghìn đồng/ngày và công huấn luyện 500 nghìn đồng/ngày. Bên cạnh đó, gần 1.000 VĐV, HLV khác của 37 môn thể thao cũng đã được gọi tập huấn, nhiều đội tuyển hội quân từ ngày mùng ba Tết Nguyên đán vừa qua. Hy vọng cùng với việc tập trung đầu tư trọng điểm, lãnh đạo ngành thể thao cũng cần có những đánh giá, nhìn nhận sát với thực tế để sự đầu tư đó thật sự mang lại hiệu quả. 

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top