Thể thao Việt Nam với Olympic 2020: Bộn bề lo toan

14:55 - Thứ Năm, 26/12/2019 Lượt xem: 9385 In bài viết

Ngay sau SEA Games 30, nhiều đội tuyển thể thao Việt Nam đã phải chuẩn bị cho các cuộc đấu, tranh vé tham dự Olympic 2020. Bên cạnh đó, việc chăm chút cho các vận động viên đã giành vé dự Olympic 2020 để họ có thể đạt thành tích tốt nhất so với năng lực cũng được quan tâm.

Vẫn chưa đủ một nửa chỉ tiêu

Tại Olympic 2016, thể thao Việt Nam tham dự với 23 vận động viên (VĐV) ở 10 môn. Tất cả đều đến với Olympic 2016 thông qua việc đạt chuẩn tham dự. Đấy là số lượng VĐV đông nhất của Đoàn thể thao Việt Nam trong một kỳ Olympic. Đó cũng là kỳ Olympic thành công vang dội của thể thao Việt Nam với thành tích 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (giữa) đã giành vé dự Olympic 2020.

Thành tích ấn tượng như vậy nên chỉ tiêu của thể thao Việt Nam với kỳ Olympic 2020 cũng khá cao trong đó đặt mục tiêu có từ 16 đến 20 VĐV đủ chuẩn tham dự. Khả năng giành huy chương cũng được đề cập song đầu tiên vẫn phải giải quyết được vấn đề về số suất tham dự. Đến lúc xác định rõ danh tính VĐV tham dự thì mới có thể dự báo về khả năng giành huy chương.

Nhưng khi năm 2019 sắp khép lại, thể thao Việt Nam mới giành được 4 vé chính thức tham dự Olympic 2020. Chủ nhân 4 tấm vé này gồm Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung). 

Con số này vẫn còn thấp so với mong muốn. Thực tế, số suất tham dự có thể cao hơn nếu các xạ thủ bắn súng Việt Nam thi đấu thành công tại các giải đấu tuyển chọn, tranh suất tham dự Olympic 2020. Tuy nhiên, ngay đến cả đầu tàu ở đội bắn súng là Hoàng Xân Vinh cũng thi đấu không thành công, dẫn đến lúc này bắn súng Việt Nam vẫn chưa có vé chính thức tham dự Olympic 2020. 

Cơ hội dự Olympic 2020 vẫn còn với bắn súng Việt Nam khi Liên đoàn bắn súng thế giới sẽ xét thêm suất tham dự trong những xạ thủ chưa giành vé chính thức nhưng có thành tích tốt tại các vòng loại. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thuộc diện này nên vẫn có cơ hội góp mặt ở Thế vận hội 2020. Rồi ở môn karatedo, sự rút lui bất ngờ của võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan từ nửa cuối năm 2019 vì những vấn đề riêng khiến cơ hội góp mặt của thành viên đội tuyển karatedo Việt Nam tại Thế vận hội 2020 hầu như không còn. 

Trước đó, võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan của đội tuyển karatedo đã được đầu tư tối đa, với nguồn lực tài chính từ đơn vị chủ quản cũng như Tổng cục TDTT. Cô gái này từng đạt vị trí trong nhóm có thể được tham dự Olympic 2020. Nhưng để giữ được vị trí ấy đòi hỏi phải thi đấu quốc tế liên tục và giành kết quả tốt. Nguyễn Thị Ngoan không còn tham dự các giải quốc tế nên hiện tại đã hết cơ hội tham dự Olympic 2020. Đội tuyển karatedo cũng lâm vào thế bất khả kháng, không thể đưa ra phương án thay thế kịp thời để nhắm tới suất tham dự Olympic 2020.

Ngoài ra, một số môn khác cũng có những vận động viên trong nhóm có thể được dự Olympic 2020 dựa trên bảng xếp hạng của Liên đoàn thế giới từng môn. Trong số này có Thạch Kim Tuấn (cử tạ) hay Vũ Thành An (kiếm quốc tế)… Vấn đề là Liên đoàn thế giới các môn này cũng chưa công bố danh tính các VĐV đủ điều kiện tham dự Olympic 2020. Trong khi đó, các VĐV trên cũng cần phải thi đấu quốc tế liên tục để giữ thứ hạng của mình.

Đầu tư “tất tay”

3 tháng đầu năm 2020 sẽ là giai đoạn quyết định nhất để xác định số vé tham dự Olympic 2020 của thể thao Việt Nam. Theo Ban huấn luyện của đội tuyển kiếm quốc tế quốc gia, từ nay đến cuối tháng 3, kiếm thủ Vũ Thành An sẽ phải tham dự đủ 3 giải quốc tế có tính điểm trên bảng xếp hạng vòng loại Olympic 2020. Trong số này có cả giải đấu ở Canada. Dù tốn kém song thể thao Việt Nam, trong đó có thể thao Hà Nội, vẫn phải đầu tư tối đa, chấp nhận tốn kém để Vũ Thành An tham dự. Còn việc kiếm thủ này (mới giành 2 Huy chương vàng ở SEA Games 30) có tích được điểm thông qua thành tích tại giải lại là câu chuyện khác.

Ở môn boxing, hy vọng lần đầu có VĐV tham dự thông qua giành vé chính thức cũng đang được đặt vào võ sĩ nữ hàng đầu châu Á hạng 51kg nữ Nguyễn Thị Tâm. Ngay sau Tết Nguyên đán tới, Nguyễn Thị Tâm sẽ bước vào vòng tranh vé tham dự Olympic 2020 khu vực châu Á. Chính vì thế, khả năng cô gái này cùng Ban huấn luyện phải tập huấn xa nhà, qua cả Tết Nguyên đán đã được tính đến. Tất cả nhằm giúp Nguyễn Thị Tâm (giành HCV duy nhất cho boxing Việt Nam ở SEA Games 30) đạt thể trạng tốt nhất.

Còn ở môn cử tạ, các đô cử vẫn phải tham dự các vòng loại hay giải đấu tính điểm tham dự Olympic 2020 như Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên, Lại Gia Thành… cũng đều phải tập trung tối đa để hoàn thành mục tiêu góp mặt ở Olympic 2020. Hay môn vật cũng đã lên kế hoạch đầu tư cho 3 đô vật nữ trong đó có Kiều Thị Ly, Nguyễn Thị Xuân cố gắng giành vé dự Olympic tại vòng loại châu Á vào tháng 3 tới. 

Môn điền kinh cũng đang tất bật chuẩn bị cho các VĐV cự ly 400m và đi bộ nữ có thể vượt qua vòng loại Olympic 2020. Trong số này, nội dung đi bộ chỉ có Giải đi bộ châu Á vào tháng 3 tới tại Nhật Bản là cơ hội duy nhất để giành vé dự Olympic 2020. Cũng vì thế, đã có một kế hoạch tập huấn công phu tại Trung Quốc cho nhà vô địch SEA Games 30 Phạm Thị Thu Trang.

Ngoài việc giành vé tham dự Olympic 2020, “chất lượng” –cơ hội giành huy chương từ những tấm vé tham dự cũng được quan tâm. Huấn luyện viên Trương Minh Sang của đội thể dục dụng cụ cho hay, Lê Thanh Tùng sẽ được đầu tư tối đa để có thể gây bất ngờ tại Olympic 2020. Còn Tổng cục TDTT cũng đã lên kế hoạch đưa Nguyễn Huy Hoàng đi tập huấn nước ngoài nhằm giúp kình ngư này vượt qua chính mình. Trong khi đó, ngay từ cuối năm 2019 này, ngành thể thao Hà Nội cũng đã thực hiện kế hoạch đưa các cung thủ của địa phương đã giành vé (Đỗ Thị Ánh Nguyệt) và chưa giành vé dự Olympic 2020 đi tập huấn tại Hàn Quốc. 

Theo đó, các cung thủ tập huấn ở trung tâm huấn luyện hiện đại hàng đầu ở quốc gia nổi tiếng thế giới môn bắn cung này. Rõ ràng, những thành công vừa qua đã cho thấy tiềm năng to lớn về việc có thể giành huy chương Olympic của bắn cung Việt Nam. Giờ là lúc thực hiện chiến lược, để biến tiềm năng thành hiện thực như thế nào mà thôi.

Thực tế, đến lúc này, việc có nhiều suất tham dự Olympic vẫn rất quan trọng với thể thao Việt Nam. Nhưng việc nhìn thấy cơ hội giành huy chương ở từng nội dung và đầu tư tối đa để cơ hội thành hiện thực cũng quan trọng không kém.

Không gây áp lực lên vận động viên 

Đó là quan điểm của Trưởng bộ môn kiếm quốc tế Hà Nội Phạm Anh Tuấn với trường hợp kiếm thủ Vũ Thành An. Theo ông Phạm Anh Tuấn, hiện tại Vũ Thành An phải rượt đuổi với một kiếm thủ người Nhật Bản trên bảng xếp hạng thế giới để tranh vé dự Olympic 2020 dựa trên thành tích tại các giải vòng loại. Dù vậy, những nhà quản lý, huấn luyện sẽ không gây áp lực, qua đó tạo điều kiện để kiếm thủ này thể hiện hết khả năng.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top