Quản lý chặt, tránh đầu tư lãng phí cho SEA Games 31

15:37 - Thứ Tư, 07/10/2020 Lượt xem: 7187 In bài viết

Chỉ còn một năm nữa sẽ diễn ra Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Ðại hội thể thao người khuyết tật Ðông - Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) tại Việt Nam năm 2021. Thời gian không còn nhiều, nhưng cho đến thời điểm này kinh phí đầu tư và hướng lựa chọn đầu tư vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.

Để đăng cai tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Chính phủ cấp 1.894 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền nâng cấp Sân vận động quốc gia Mỹ Ðình, Cung Thể thao dưới nước, Trường bắn tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Nhà thi đấu Ðại học Thể dục - Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) là 591 tỷ đồng. Ba trong số bốn công trình này được xây mới khi Việt Nam lần đầu đăng cai SEA Games năm 2003 song đã xuống cấp nghiêm trọng từ lâu. Sân vận động quốc gia Mỹ Ðình hoàn thiện từ năm 2003 với số tiền dự toán là 53 triệu USD nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa công bố số tiền chính thức để hoàn thiện công trình này. Kể từ năm 2012, đường chạy tại Sân vận động quốc gia Mỹ Ðình đã xuống cấp không thể tổ chức thi đấu các giải cấp quốc gia. Ðể tổ chức lễ khai mạc và thi đấu các nội dung môn điền kinh, bán kết và chung kết bóng đá nam tại sân, Ban tổ chức SEA Games đã xin cấp 150 tỷ đồng để nâng cấp đường chạy và mặt sân cỏ bóng đá. Bản thân mặt sân cỏ của Sân vận động quốc gia Mỹ Ðình đã được nâng cấp từ năm 2012 và mỗi năm đều có kinh phí bảo dưỡng nhưng vẫn phải tiếp tục đầu tư để sửa chữa. Cho đến nay, điều mà dư luận quan tâm là các vụ lùm xùm liên quan tới Sân vận động quốc gia Mỹ Ðình mà mới đây nhất là vụ nợ hơn 543 tỷ đồng tiền thuế (phần lớn liên quan tới tiền thuê đất hàng chục năm qua).

Năm 2003, khi Việt Nam đăng cai SEA Games 22, một trường bắn súng thể thao hiện đại đã được xây dựng tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Ðể xây dựng trường bắn này, Ủy ban Thể dục - Thể thao khi đó đã thành lập Ban tư vấn và cử người đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nước như Trung Quốc, Thái-lan... Tuy nhiên, khi thiết kế trường bắn này, những người có trách nhiệm đã không tính đến việc trường bắn hiện đại này có thể bị ngập nước. Ðợt ngập năm 2008 đã khiến các hầm bắn đĩa bay vốn xây ngầm dưới đất bị ngập nước toàn bộ và đến nay coi như đã hỏng hẳn và không thể tổ chức các giải đấu dù ở cấp quốc gia.

Cung Thể thao dưới nước thuộc Khu Liên hợp thể thao Mỹ Ðình cũng là một trọng điểm phải nâng cấp cải tạo để phục vụ SEA Games 31 bởi đã bị xuống cấp dù nơi đây vẫn đang thu tiền của những người vào bơi mỗi ngày. Vốn là một công trình đẹp và hiện đại nhưng người qua đường rất khó nhận ra công trình này do hầu hết diện tích của khu thể thao đã được cho thuê để xây nhà hàng, siêu thị dẫn tới phá vỡ hoàn toàn cảnh quan.

Cho tới nay, số tiền 1.894 tỷ đồng mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin cấp vẫn chưa được giải ngân. SEA Games 31 thì diễn ra vào tháng 11 năm sau (tức là còn một năm nữa), trong khi các công trình phục vụ thi đấu sẽ phải hoàn thiện chậm nhất vào tháng 9-2021 để Liên đoàn điền kinh, Liên đoàn bơi lội, Liên đoàn bắn súng Ðông - Nam Á kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào thi đấu. Việc cấp kinh phí chậm sẽ ảnh hưởng tới việc nâng cấp cơ sở vật chất. Thời gian cấp kinh phí quá sát ngày khai mạc SEA Games 31 chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công trình - điều đã được kiểm chứng từ sau kỳ SEA Games 22 năm 2003.

Việc xây dựng các công trình thể thao đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, để các công trình này hoạt động bền vững và hiệu quả đòi hỏi ngành thể thao cần siết chặt công tác quản lý. Cần phải có con người cụ thể được giao trách nhiệm và chịu trách nhiệm, không để lãng phí, tốn nhiều kinh phí mà các công trình vẫn xuống cấp một cách trầm trọng trong thời gian ngắn.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top