Chung tay sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng

16:58 - Thứ Hai, 09/11/2020 Lượt xem: 1761 In bài viết

Theo thống kê của Công ty điện lực Điện Biên, tổng sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn năm 2019 là 266.488.185kWh (tăng 9,2% so với tổng sản lượng tiêu thụ năm 2018 và 30,6% so với năm 2016). Tổng sản lượng điện tiêu thụ của các bệnh viện và trường học trên địa bàn toàn tỉnh chiếm 3,6% tương đương 9.616.226kWh. Trong đó, tổng sản lượng tiêu thụ của các bệnh viện và trường học trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ chiếm 4,3% sản lượng điện tiêu thụ toàn thành phố (tương đương 4.201.682kWh). Qua đó có thể thấy, mức độ, nhu cầu sử dụng năng lượng của chúng ta ngày càng tăng cao. Và thực tế, năng lượng là nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng nhưng năng lượng không phải là vô tận; vì vậy, mỗi cá nhân hãy nâng cao ý thức để cùng chung tay sử dụng tiết kiệm năng lượng, nhất là trong các trường học, cơ sở giáo dục.

Là một trong những địa phương có lượng điện tiêu thụ nhiều nhất tỉnh, TP. Điện Biên Phủ có khoảng gần 80 trường học các cấp; trong đó, có 07 trường Trung học phổ thông và phổ thông dân tộc nội trú, 11 trường THCS và TH – THCS, 15 trường tiểu học và 25 trường mầm non. Tuy nhiên, việc thống kê tình hình sử dụng năng lượng của các trường lại chưa được thực hiện đầy đủ. Do đó, các cơ quan quản lý năng lượng chưa nắm được hiện trạng sử dụng năng lượng tại các trường học gây rất nhiều khó khăn cho việc đưa ra các chính sách, định hướng giúp các trường học sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từ thực tế đó và căn cứ theo Quyết định số 374/QĐ-UBND ngày 29/3/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 493/QĐ-SCT ngày 14/4/2020 của Sở Công thương về việc phê duyệt phương án tổ chức điều tra, khảo sát tình hình sử dụng năng lượng tại các trường học trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã triển khai “Điều tra, khảo sát tình hình sử dụng năng lượng tại các trường học trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ”. Việc điều tra này nhằm đem lại ánh sáng chuẩn, an toàn cho từng lớp học góp phần bảo vệ thị lực cho các em, đồng thời đưa ra các giải pháp, định hướng giúp các trường học sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thời gian tới.

TP. Điện Biên Phủ là khu vực đô thị tập trung mật độ dân cư cao, nhiều các trường học có cơ sở vật chất khang trang và hiện đại, song cấu trúc phòng học thường bố trí cũng chỉ 2 - 3 cửa sổ nên không đáp ứng đủ yêu cầu chiếu sáng tự nhiên, thông gió thoáng khí dẫn đến tình trạng phải bố trí nhiều bóng điện làm tăng mức tiêu thụ điện. Năm 2019, tổng điện năng tiêu thụ ở 58 trường học trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ là 857.439kWh (trung bình 71.453kWh/tháng); trong đó các thiết bị tiêu tốn điện chủ yếu là đèn chiếu sáng và quạt điện. Bên cạnh nhũng nguyên nhân khách quan như: Do điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng, cấu trúc phòng học, chất lượng dây dẫn, thiết bị điện chưa đảm bảo… thì 100% ý thức tiết kiệm điện của giáo viên và học sinh mới dừng lại ở mức “tắt thiết bị khi không sử dụng” và “vệ sinh thiết bị thường xuyên”. Vấn đề về sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và đúng với nhu cầu của lớp học chưa được quan tâm triệt để.

Thực tế, qua khảo sát đã có một số giải pháp tiết kiệm được thực hiện tại các trường như sau:

Stt

Giải pháp tiết kiệm

Tỷ lệ sử dụng(%)

1

Tắt thiết bị khi không sử dụng

100

2

Thường xuyên vệ sinh thiết bị

100

3

Chọn tốc độ và chế độ phù hợp đối với quạt điện, quạt thông gió…

85

4

Tắt ti vi bằng nút nguồn trên máy

50

6

Cài đặt nhiệt độ trên máy điều hòa nhiệt độ từ 25 đến 270C

40

7

Tắt điều hòa trước 30 phút khi không sử dụng

25

8

Sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm năng lượng

15

Còn về việc sử dụng nước trong các trường học trên địa bàn thành phố, hiện nay, học sinh và cán bộ công nhân viên thường dùng 2 nguồn nước chính là nguồn nước máy của Công ty CP Cấp nước Điện Biên và nước giếng khoan. Qua khảo sát, tình hình sử dụng nước máy của các trường trong tháng không có sự thay đổi lớn. Tổng lượng nước các trường sử dụng trong năm 2019 là 115.169m3, trung bình các trường sử dụng 9.597m3/tháng.

Vậy nên, vấn đề đặt ra hiện nay chủ yếu là phải sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nhất trong các trường học trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Trên cơ sở phân tích kết quả điều tra khảo sát tình hình sử dụng năng lượng trong 58 trường học trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã đề ra một số giải pháp tiết kiệm năng lượng; trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trong trường lớp học và khuyến khích học sinh và giáo viên thực hiện các giải pháp tiết kiệm.

Để phòng học chiếu sáng đạt chuẩn cần sử dụng bóng đèn LED tuýp T8 18W. Loại đèn này, dễ dàng lắp đặt và sử dụng với thiết kế chỉ cần một máng đèn led với đấu nối 2 đầu đơn giản. Với lưới điện giờ cao điểm rất yếu, rất thấp nhưng đèn hoàn toàn có thể hoạt động ổn định và mang lại hiệu quả chiếu sáng tốt cho không gian bởi dải điện áp hoạt động rộng từ 60V-220V. Ánh sáng đèn trung thực, tự nhiên và tốt cho mắt, không gây hiện tượng lóa, mỏi mắt có thể giảm dần thị lực của con người rất nguy hiểm. Đèn tuýp LED T8 1,2m 18W liền máng còn được tích hợp nguồn sáng nhờ nguồn vỏ khuếch đại, tiết kiệm đến 50% chi phí đầu tư và 60% nguồn điện tiêu thụ hàng tháng; đồng thời có khả năng hạn chế khí thải cũng như những độc hại phát ra như khí CO2, thủy ngân hay lưu huỳnh, nên được coi là sản phẩm cho sức khỏe và thời đại cực tốt. Còn về cách lắp đặt bóng đèn ở phòng học cũng rất quan trọng nên chúng ta cần bố trí song song với hướng nhìn và cửa để hạn chế phản xạ lóa mắt và treo theo độ cao cách trần lớp học 80cm và treo thấp hơn so với quạt trần.

Ngoài ra, thiết kế phòng học cũng cần phải theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3907:2011 “Trường Mầm non – Yêu cầu thiết kế”, TCVN 8793:2011 “Trường Tiểu học – Yêu cầu thiết kế”, TCVN 8794:2011 “Trường Trung học – Yêu cầu thiết kế”. Với trường mầm non cần được đặt ở vị trí ưu tiên: trực tiếp đón gió mát về mùa hè, tránh gió lùa và hạn chế gió lạnh về mùa đông; có biện pháp tránh mưa hắt, tránh bức xạ mặt trời trực tiếp hướng Tây; đảm bảo diện tích từ 1,5m2/trẻ đến 1,8m2/trẻ nhưng không được nhỏ hơn 36m2/phòng đối với nhóm trẻ và 54m2/phòng đối với lớp mẫu giáo; chiều cao thông thủy 3,3m. Trường tiểu học cần được đặt ở vị trí trực tiếp nhận ánh sáng tự nhiên; đón gió mát về mùa hè, tránh gió lùa và hạn chế gió lạnh về mùa đông; Có biện pháp tránh mưa hắt, tránh bức xạ mặt trời hướng Tây. Diện tích phòng học được xác định với tiêu chuẩn 1,25m2 /học sinh, chiều cao thông thủy từ 3,3m đến 3,6m. Độ cao của mép dưới bảng không nhỏ hơn 0,4 m. Chiều cao từ mặt sàn đến mép dưới bảng từ không nhỏ hơn 0,65 m và không lớn hơn 0,8 m. Phòng học phải thiết kế có hai cửa ra vào, một cửa bố trí ở đầu lớp, một cửa bố trí ở cuối lớp. Cửa đi phải thiết kế hai cánh, có chiều rộng không nhỏ hơn 1,0m và mở ra phía hành lang. (Trường hợp lớp học hòa nhập cho học sinh khuyết tật, chiều rộng thông thủy cửa đi không nhỏ hơn 1,2m).

Mô hình phòng học chuẩn thiết kế.

Đối với trường trung học, diện tích phòng học được xác định với tiêu chuẩn 1,5 m2/học sinh, chiều cao thông thủy từ 3,3 - 3,6m. Chiều rộng phòng học và phòng học bộ môn không nhỏ hơn 7,20m. Chiều cao từ mặt sàn đến mép dưới của bảng không nhỏ hơn 0,8 m và không lớn hơn 1,0 m. (Nếu điều kiện cho phép, cần thiết kế bảng có thể di chuyển lên xuống theo phương thẳng đứng để phù hợp với đối tượng học sinh là người khuyết tật. Độ cao của mép dưới bảng không nhỏ hơn 0,40 m). Phòng học phải thiết kế có hai cửa ra vào, một cửa bố trí ở đầu lớp, một cửa bố trí ở cuối lớp. Cửa đi phải thiết kế hai cánh, có chiều rộng không nhỏ hơn 1m và mở ra phía hành lang. (Trường hợp lớp học hòa nhập cho học sinh khuyết tật, chiều rộng thông thủy cửa đi không nhỏ hơn 1,2m).

Mô hình phòng học chuẩn thiết kế:

Theo đó, các cơ sở giáo dục nên sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng bao gồm thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, thiết bị sử dụng năng lượng điện được dán nhãn năng lượng quốc gia theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 12/9/2011 về danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện và các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng khác.

Danh sách thiết bị tiết kiệm năng lượng được quy định như sau:

1.Máy điều hòa nhiệt độ.

Máy Điều hòa (máy lạnh) tiết kiệm điện (Inverter) đơn giản là dòng máy lạnh sử dụng công nghệ hiện đại kỹ thuật số; được dán nhãn 5 sao (số sao càng nhiều thì mức hiệu suất năng lượng càng cao, sử dụng càng tiết kiệm và hiệu quả. Toàn bộ việc điều tiết độ lạnh trong phòng của máy được kiểm soát thông qua bộ mạch điện tử vi xử lí thông minh thay cho công nghệ sử dụng rơ le cảm biến nhiệt của các dòng máy lạnh thông thường. Mức tiết kiệm điện dao động từ 30 – 90% điện năng so với các loại máy lạnh thông thường sử dụng công nghệ rơ le cảm biến nhiệt độ. Về khoản tiết kiệm điện này nếu so sánh với số tiền thanh toán hàng tháng chỉ bằng 1/3 so với dòng Non-Inverter thông thường. Điều đáng chú ý nhất là khả năng duy trì nhiệt độ phòng cực kì ổn định. Luôn duy trì được mức temp được Set sẵn trên Remote. Nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như những tính năng vượt trội về điều hoà không khí thì hiện nay máy lạnh dân dụng có trang bị thêm các tính năng như khử mùi (plasma), tạo ion giúp cho bầu không khí trong phòng bạn trở nên trong sạch và dễ chịu hơn. Rất thích hợp cho người dùng nhạy cảm về nhiệt độ và cho những bé sơ sinh (nhiệt độ an toàn cho bé ở mức 28-290C luôn luôn chính xác). Cho phép chạy ở mức 120-125% công suất khi phòng chưa đủ lạnh trong vòng 45’-1h . Sau khi đủ lạnh thì sẽ giảm ở mức 50-75% công suất tùy theo bộ biến tầng kiểm soát.

2. Quạt điện.

 Chọn các loại quạt có dán nhãn tiết kiệm năng lượng

- Đối với quạt trần: Lắp đặt cao hơn so với bóng điện để tránh gây lóa và sấp bóng.

- Đối với quạt treo tường: Chọn vị trí lắp không quá cao vì sẽ giảm hiệu quả làm mát, cũng không lắp quá thấp làm giảm phạm vi làm mát của quạt.

3. Ti vi.

 

Sử dụng loại ti vi màn hình Led, được chiếu sáng bởi công nghệ Light Emiiting. LED không có các chất hóa học độc hại như thủy ngân và cho hình ảnh sáng hơn với độ tương phản cao và màu đen sâu hơn; hiển thị được gam màu rộng hơn; không gây ô nhiễm môi trường sau khi hết thời gian sử dụng…

4. Máy chiếu.

- Sử dụng loại máy chiếu có nguồn sáng Led. Vì tuổi thọ của những dòng máy chiếu LED thật sự ấn tượng, có thể lên tới 30.000 giờ. Bên cạnh đó, dòng máy chiếu LED có độ suy giảm sáng rất thấp. Chính vì tuổi thọ vượt trội của LED, người dùng không cần phải thay cụm sáng LED thường xuyên.

- Một chiếc máy chiếu có đèn chiếu LED chỉ có công suất tiêu thụ khoảng 75-100W điện. Bóng đèn máy chiếu led, 80% năng lượng chuyển thành quang năng, chỉ 20% chuyển thành nhiệt năng hao phí. Đều này kéo theo việc làm mát cho LED dễ hơn nhiều. Nếu bạn đang sử dụng máy chiếu dùng LED hầu như không thấy tỏa nhiệt. Đèn LED rất nguội, thậm chí quạt làm mát cũng không cần kích hoạt nếu nhiệt độ phòng ở mức mát mẻ. Cũng nhờ lợi điểm này, độ ồn của hệ thống máy chiếu LED cũng thấp hơn so với các máy chiếu thông thường. Một máy chiếuLED có độ ồn chỉ trên dưới 25dB, tức là ở khoảng cách 2m trong môi trường yên tĩnh, tai người không thể nghe thấy tiếng động nào từ máy chiếu. Đây là lợi thế rất lớn trong một phòng học.

5. Máy vi tính.

Một máy tính có cấu hình cao tiêu thụ điện nhiều hơn so với máy tính để bàn cùng loại có cấu hình thấp hơn. Một số loại máy tính vẫn tiêu thụ điện ở chế độ tạm nghỉ, trong khi một số loại khác chỉ tiêu thụ khoảng 20W. Màn hình thông thường có bóng đèn hình (CRT) 14” tiêu thụ khoảng 35W trong khi đó màn hình tinh thể lỏng (LCD) 14” chỉ tiêu thụ khoảng 4,5W. Thông thường, một màn hình 17” sẽ tiêu thụ điện năng hơn 22% mức tiêu thụ điện năng của màn hình 14”. Vì vậy khi chọn máy vi tính cho lớp học nên chọn loại có cấu hình phù hợp với mục đích sử dụng. Tắt hẳn máy khi không sử dụng. Khi mua máy tính mới nên kiểm tra mức tiêu thụ điện năng ở chế độ tạm nghỉ. Sử dụng màn hình LCD thay vì màn hình CRT.

Để các thiết bị điện, cơ sở vật chất trong các trường học đảm bảo yêu cầu tiết kiệm năng lượng là rất tốt song việc thay thế dần các thiết bị tiết kiệm điện còn gặp nhiều rào cản mà nguyên nhân chủ yếu do các trường không có nguồn kinh phí để thực hiện, việc thực hiện xã hội hóa nhằm trang bị hệ thống chiếu sáng tiêu chuẩn cho lớp học còn phụ thuộc vào ý kiến của các bậc phụ huynh học sinh. Vì vậy, trước mắt, để phương pháp được triển khai rộng rãi thì cần phải tuyên truyền và hướng dẫn các thầy cô giáo cùng các em học sinh một cách cụ thể và rõ ràng cùng với nâng cao ý thức, kiến thức về sử dụng thiết bị tiêu thụ năng lượng. Đơn cử như cần phải: Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; tắt bớt hoặc dùng chiết áp giảm độ sáng đèn khi sử dụng ti vi, máy chiếu; chọn tốc độ và chế độ quạt, điều hòa phù hợp; thường xuyên vệ sinh các thiết bị điện. Lựa chọn ti vi phù hợp và sử dụng đúng cách không chỉ tiết kiệm điện mà còn giúp tăng tuổi thọ thiết bị; chỉnh âm lượng ở mức đủ nghe và đặt độ tương phản, màu sắc và độ sáng ở mức 50%. Với máy vi tính, chỉnh âm lượng (Volume) ở mức vừa đủ nghe; chuyển sang chế độ chờ khi tạm dừng; cài đặt chế độ tiết kiệm năng lượng cho máy vi tính. Điều hòa nhiệt độ, cài đặt nhiệt độ trong lớp học 25-270C nhưng không chênh quá 50C so với bên ngoài; sử dụng chế độ làm mát nhanh hoặc đặt chế độ quạt mạnh nhất trong khoảng 3 phút đầu tiên. Bật chế độ điều chỉnh gió đa hướng (swing) hoặc kết hợp với quạt. Đóng kín các cửa phòng sử dụng điều hòa và hạn chế ra vào phòng. Tắt điều hòa trước 30 phút khi không sử dụng. Còn máy chiếu thì không nên di chuyển máy chiếu khi nó đang hoạt động và phải đảm bảo hệ thống làm mát hoạt động tốt. Để máy không bị quá nhiệt trong khi hoạt động, hệ thống làm mát phải thường xuyên được làm vệ sinh. Hãy làm sạch tấm lọc và quạt tản nhiệt theo định kỳ để loại bỏ bụi bẩn gây nóng máy. Hãy đợi cho máy dừng hoạt động hẳn rồi mới rút nguồn và di chuyển để bóng đèn có thời gian để nguội. Tránh sử dụng máy trong phòng quá nóng. Không nên cho máy chạy quá sáng. Hãy cho máy chạy ở chế độ Eco (tiết kiệm điện) khi cần giúp máy tiêu thụ điện ít hơn, đồng thời chạy mát hơn, qua đó tuổi thọ của bóng đèn sẽ được nâng cao về lâu dài.

Để làm được điều đó, mỗi học sinh, giáo viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng chung tay vào việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng. Không chỉ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ mà các nhà trường trong toàn tỉnh cần quán triệt, tập huấn dạy học tích hợp kiến thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để thầy và trò hiểu rõ về vai trò quan trọng của giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là biện pháp hữu hiệu nhất, bền vững và kinh tế nhất…

Bình luận
Back To Top