Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Hỏi đáp chính sách thuế

08:53 - Thứ Tư, 26/12/2018 Lượt xem: 3721 In bài viết

Hỏi: Trường hợp doanh nghiệp xuất hóa đơn trong thời gian bị cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Tại Khoản 26, Ðiều 1, Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung Ðiểm d, Khoản 1 Ðiều 93, Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bao gồm:

“d) Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng”

Tại Ðiều 3, Nghị định số 51/2010/NÐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giải thích từ ngữ như sau:

“6. Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được in, khởi tạo theo quy định tại Nghị định này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.

7. Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành, được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngưng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).

8. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; hoặc sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn do cơ quan thuế phát hành) để lập khi bán hàng hóa, dịch vụ, để hạch toán kế toán, khai thuế, thanh toán vốn ngân sách.”

Tại Ðiểm 1 và Ðiểm 3, Ðiều 9, Thông tư số 215/TT-BTC ngày 31/12/2013       của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế như sau:

“1. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày ghi trong quyết định cưỡng chế. Thời hiệu áp dụng cưỡng chế được ghi trong quyết định cưỡng chế;

3. Quyết định cưỡng chế chấm dứt hiệu lực kể từ khi đối tượng bị cưỡng chế chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính về thuế; đối tượng bị cưỡng chế đã nộp đủ tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.”

Tại Khoản 1, Ðiều 13, Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng như sau:

“Hóa đơn thông báo không còn giá trị sử dụng bao gồm các loại: hóa đơn tự in do các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự in; hóa đơn đặt in do các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc cơ quan thuế đặt in; hóa đơn điện tử do các tổ chức, cá nhân kinh doanh khởi tạo, lập theo quy định của pháp luật”.

Tại Khoản 5, Ðiều 11 và Khoản 2, Ðiều 12 Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17/1/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn quy định xử phạt đối với hành vi sử dựng hóa đơn bất hợp pháp như sau:

“Phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, Ðiều 10 Thông tư này) hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Ðiều 11 Thông tư này).”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn trong thời gian cơ quan thuế có quyết định về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, cơ quan thuế thực hiện truy thu số thuế phát sinh (nếu có) do sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Các hóa đơn nêu trên không còn giá trị sử dụng, đơn vị bán hàng và mua hàng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; đơn vị bán hàng và đơn vị mua hàng phải lập biên bản thu hồi các hóa đơn đã lập sai quy định. Sau khi quyết định cưỡng chế hết hiệu lực hoặc chấm dứt hiệu lực, qua xác minh cơ quan thuế xác định thực tế có hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ thì cơ quan thuế hướng dẫn đơn vị bán hàng xuất hóa đơn và thực hiện kê khai thuế theo quy định.

TTHT
Bình luận
Back To Top