Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Doanh nghiệp siêu nhỏ cần biết

08:56 - Thứ Tư, 22/05/2019 Lượt xem: 9729 In bài viết
ĐBP - Ðối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng thì doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng; đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Ngày 28/12/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 132/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2019, áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/4/2019. Theo đó, doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế. Tuy nhiên theo quy định tại Ðiều 14, Thông tư số 132/2018/TT-BTC thì hàng năm, các doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế phải lập báo cáo tài chính và các phụ biểu báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Báo cáo tài chính và các phụ biểu báo cáo tài chính của doanh nghiệp siêu nhỏ phải được gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính đồng thời phải được bảo quản, lưu trữ tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật kế toán để phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ nếu lựa chọn áp dụng chế độ kế toán quy định tại Chương II, Thông tư số 132/2018/TT-BTC để phục vụ cho nhu cầu quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì vẫn lập báo cáo tài chính theo quy định. Báo cáo tài chính được lập không phải nộp cho cơ quan thuế mà được bảo quản, lưu trữ theo quy định và sử dụng tại doanh nghiệp để phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy theo hướng dẫn tại Thông tư số 132/2018/TT-BTC, không phải mọi doanh nghiệp siêu nhỏ đều không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế. Mà chỉ có trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì không phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế. Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ nếu không có nhu cầu không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập, các khoản thuế phải nộp… Các sổ kế toán mà doanh nghiệp này phải lập gồm 4 sổ:

- Sổ chi tiết doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ;

- Sổ theo dõi tình hình thanh toán tiền lương và các khoản nộp theo tiền lương của người lao động;

- Sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa;

- Sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước.       

Thông tư 132 cũng quy định, doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, nếu lựa chọn áp dụng chế độ kế toán quy định tại Chương II, Thông tư này để phục vụ cho nhu cầu quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì vẫn lập báo cáo tài chính theo quy định. Báo cáo tài chính được lập không phải nộp cho cơ quan thuế, mà được bảo quản, lưu trữ theo quy định và sử dụng tại doanh nghiệp để phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

(Còn nữa)

TTHT
Bình luận
Back To Top