Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Một số hành vi vi phạm pháp luật để trốn thuế

08:41 - Thứ Tư, 12/02/2020 Lượt xem: 14627 In bài viết

ĐBP - Theo Ðiều 13, Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế quy định, các hành vi trốn thuế gồm:

Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa hoặc giảm số lượng, giá trị vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm; lập hóa đơn sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra làm căn cứ kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế; không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm; không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế; Sử dụng hàng hóa được miễn thuế, xét miễn thuế (bao gồm cả không chịu thuế) không đúng với mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế; Sửa chữa, tẩy xóa chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm; hủy bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm; Sử dụng hóa đơn, chứng từ, tài liệu không hợp pháp trong các trường hợp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; khai sai căn cứ tính thuế phát sinh số thuế trốn, số thuế gian lận; người nộp thuế đang trong thời gian xin tạm ngừng kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh; hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Cán bộ phòng “Một cửa” Chi cục Thuế Mường Nhé hướng dẫn thủ tục về thuế cho người dân. Ảnh: Phương Liên

Một số hành vi vi phạm cụ thể như:

- Mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào giá thấp nhưng lại viết trong hóa đơn giá cao hơn. Ðiều chỉnh những con số ở thiết bị vật tư, nguyên liệu, định mức tiêu hao vật tư trên một đơn vị sản phẩm, chi phí phân bổ chính là phương thức mà doanh nghiệp lách luật và nâng giá thành sản phẩm hàng hóa. Việc tạo chi phí tăng, không những để doanh nghiệp giảm được khoản thuế TNDN phải nộp, mà còn để doanh nghiệp giảm được thuế GTGT phải nộp, bằng cách tăng thuế GTGT đầu vào khấu trừ.

- Dùng hóa đơn giả hoặc hóa đơn trống rồi tự ghi giá có lợi vào. Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ; hóa đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Mặc dù đã có quy định hiện hành các giao dịch mua bán hàng hóa, cung cứng dịch vụ có giá trị trên 200.000 đồng thì người bán phải xuất hóa đơn cho người mua. Nhưng thực tế người mua không lấy hóa đơn và người bán lại cố tình “quên” xuất hóa đơn để trục lợi về thuế. Ðiều này sẽ xảy ra trường hợp hàng tồn kho ảo nhiều tại đơn vị bán hàng; Lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa hoặc giảm số lượng, giá trị vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.

- Tự tạo ra nhiều chi phí để đạt mức tối đa nhưng thực tế không có chi phí đó. Các nghiệp vụ không có thực nghĩa là thực tế doanh nghiệp không có phát sinh các nghiệp vụ này nhưng đã tự tạo ra chứng từ, đi mua chứng từ ngoài để hợp pháp hóa. Vì thế, có thể gọi đây là ghi khống. Ghi khống thể hiện qua những chứng từ, bảng kê giả mạo với chữ ký giả, hợp đồng lao động giả mạo, hóa đơn đi mua của cơ sở kinh doanh khác... Với hành vi này, doanh nghiệp không chỉ giảm được thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà còn giảm được cả thuế giá trị gia tăng (GTGT) thông qua việc khấu trừ khống thuế GTGT đầu vào.

- Ðưa chi phí nhân công cao tối đa có thể được. Tình trạng này thường diễn ra ở các doanh nghiệp xây lắp, khoản chi phí này thường sẽ có những bảng lương khống, hợp đồng khống nhằm đưa tối đa chi phí lương.

- Ghi giá bán thấp hơn giá thực tế và xuất hoá đơn các liên có giá trị hàng hóa không giống nhau. Ðây là hành vi ghi giá bán trên hóa đơn và kê khai doanh thu tính thuế thấp hơn giá khách hàng thực tế thanh toán. Hành vi này thường gặp ở các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng khách sạn, vận tải tư nhân, xăng dầu, kinh doanh vật liệu xây dựng, bán ô tô và xe máy, hàng trang trí nội thất...

- Hạch toán kế toán và kê khai thuế sai quy định. Mục tiêu chủ yếu của hành vi hạch toán kế toán sai quy định pháp luật là che giấu doanh thu tính thuế, hạch toán tăng chi phí tính thuế TNDN và tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

- Sổ sách kế toán không phản ánh đầy đủ. Các tổ chức, cá nhân người nộp thuế thường sử dụng nhiều hệ thống sổ sách kế toán là hệ thống sổ kế toán nội bộ phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế và hệ thống sổ kế toán chỉ phản ánh một phần các giao dịch kinh tế chủ yếu để kê khai thuế... Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm.

Ngoài ra, còn tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma”; doanh nghiệp đã làm thủ tục xin tạm ngừng, nghỉ kinh doanh nhưng vẫn thực hiện việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xuất hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà doanh nghiệp không làm thủ tục kinh doanh trở lại để thực hiện kê khai thuế với cơ quan quản lý thuế.

Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế nêu trên ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước. Với những hành vi vi phạm trốn thuế như trên, các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm rất nghiêm về lĩnh vực thuế, ngoài ra tùy theo mức độ vi phạm các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xem xét xử lý hình sự với mức phạt cao nhất đến 7 năm tù.

TTHT
Bình luận
Back To Top