Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế

10:09 - Thứ Tư, 30/12/2020 Lượt xem: 11482 In bài viết

ĐBP - Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2020/NÐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020). Trường hợp hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng hành vi vi phạm đó kết thúc kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm đó. Với những thay đổi trong việc nâng mức xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn, Nghị định số 125/2020 /NÐ-CP sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế.

Mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm thủ tục thuế theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NÐ-CP được điều chỉnh tăng cao hơn so với các quy định trước đây. Nghị định cũng quy định chi tiết hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế, mức phạt tiền cụ thể đối với hành vi trốn thuế cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Theo quy định mới các vi phạm hành chính với số thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500 triệu đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn và vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn. Về nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 10% mức phạt trung bình của khung phạt tiền.

Tại Ðiều 19, Nghị định số 125/2020/NÐ-CP quy định: Phạt tiền từ 6 - 16 triệu đồng đối với hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế, trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định tại Ðiều 18 Nghị định này. Mức phạt này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Mức phạt đối với cá nhân sẽ bằng ½ mức phạt đối với tổ chức. Mức phạt tối đa đối với cá nhân là 8 triệu đồng, mức phạt tối đa đối với tổ chức là 16 triệu đồng. Như vậy, đối với hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế thì mức phạt của Nghị định số 125/2020/NÐ-CP đã tăng lên gấp 1,6 lần so với mức phạt ở Nghị định số 129/2013/NÐ-CP trước đây.

Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân liên quan (Ðiều 19) quy định phạt tiền từ 6 - 16 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế; hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ... (quy định cũ là phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng).

Nghị định số 125/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã thay thế các văn bản hiện hành quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Do đó các chương, điều tại các Nghị định, Thông tư sau đây hết hiệu lực thi hành đó là: Chương I, III Nghị định số 129/2013/NÐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; khoản 2, điều 4, Chương I, Chương IV, Ðiều 44 Chương V Nghị định số 109/2013/NÐ-CP ngày 24/9/ năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Ðiều 3 Nghị định số 49/2016/NÐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Ðiều của Nghị định 109/2013/NÐ-CP; Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013, Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17 tháng 01 năm 2014 và Thông tư số 176/2016/TT-BTC ngày 31/10/2016 của Bộ Tài chính.

Trường hợp theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế mà tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay có hành vi vi phạm hành chính thì tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định.

Kim Tuấn (Cục Thuế tỉnh)
Bình luận
Back To Top