Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Lợi ích sử dụng hóa đơn điện tử

09:10 - Thứ Tư, 31/03/2021 Lượt xem: 14331 In bài viết

ĐBP - Nghị định 123/2020/NÐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ nêu rõ: Từ ngày 1/7/2022 sẽ chính thức bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử bán hàng, cung ứng dịch vụ. Mặc dù còn hơn 1 năm nữa mới có hiệu lực thi hành, tuy nhiên Chính phủ khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng và công nghệ thông tin sớm áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử trước thời gian trên. Trên địa bàn tỉnh ta, để khuyến khích người nộp thuế sử dụng hóa đơn, chứng từ điện tử, thời gian qua Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn triển khai thực hiện.

Hưởng ứng “Tuần lễ thanh niên ngành Thuế đồng hành cùng người nộp thuế”, Ðoàn Thanh niên Cục Thuế tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử.

Từ nay đến hết 30/6/2022, hóa đơn điện tử đang được khuyến khích sử dụng, nhưng chưa bắt buộc nên có nhiều khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện, như: Việc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế; đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế; thủ tục để chuyển đổi hóa đơn điện tử đã đăng ký thành hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế… Trước tình hình đó, Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế các ứng dụng thực hiện hóa đơn điện tử bằng văn bản, gọi điện, gửi email, thông qua các bài viết trên website ngành Thuế, cổng thông tin điện tử, thông qua các kênh thông tin đại chúng. Ðồng thời, cử cán bộ xuống cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ hướng dẫn áp dụng hóa đơn điện tử.

Ông Dương Duy Bảy, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh) cho biết: So với hóa đơn giấy thì việc sử dụng hóa đơn điện tử có nhiều lợi ích. Hóa đơn điện tử giúp người nộp thuế không lo tình trạng bị thất lạc hóa đơn; giúp doanh nghiệp giảm chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy như: Chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng và đặc biệt là giảm chi phí lưu trữ hóa đơn. Ðồng thời, giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn; tăng cường khả năng bảo mật; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy. Việc sử dụng hóa đơn điện tử nhằm đơn giản hóa các quy trình liên quan đến hóa đơn, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động các công việc khởi tạo và phát hành hóa đơn; thuận tiện cho việc hạch toán kế toán, đối chiếu dữ liệu về sau. Doanh nghiệp sẽ dễ dàng tra cứu thông tin hóa đơn và kiểm soát phát hành hóa đơn, tiết kiệm chi phí giao dịch hóa đơn, chi phí phát hành hóa đơn và tự chủ, tự chịu trách nhiệm với thông tin hóa đơn được phát hành. Ðặc biệt, doanh nghiệp không cần lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Ðây là nội dung khác biệt so với việc sử dụng hóa đơn giấy. Trước đây doanh nghiệp phải gửi mẫu hóa đơn và hàng quý phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế. Nhưng khi sử dụng hóa đơn điện tử doanh nghiệp sử dụng hóa đơn có mã xác thực sẽ không cần báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.

Thực tế có rất nhiều loại hóa đơn điện tử, trong khi không có quy định về định dạng dữ liệu chung áp dụng cho hóa đơn điện tử nên mỗi đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử hiện nay có thiết kế các định dạng khác nhau, xây dựng công cụ hiển thị và kiểm tra thông tin hóa đơn khác nhau… Ðiều này đã nảy sinh vấn đề là tại mỗi doanh nghiệp không có phần mềm có khả năng đọc được định dạng của tất cả hóa đơn điện tử do đối tác gửi đến. Vì vậy, để hỗ trợ tốt các đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử, ngày 19/3/2021, Tổng cục Thuế đã có thông báo về việc khuyến nghị các thành phần dữ liệu hóa đơn điện tử áp dụng theo Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng, cung ứng dịch vụ và triển khai công cụ hỗ trợ người nộp thuế kiểm tra thông tin hóa đơn điện tử. Trên cơ sở khuyến nghị, ngành Thuế đã triển khai công cụ hỗ trợ kiểm tra hóa đơn đáp ứng yêu cầu hiển thị nội dung hóa đơn điện tử được lập theo khuyến nghị. Công cụ này được tích hợp vào website tra cứu hóa đơn tại địa chỉ http://tracuuhoadon.gdt.gov.vn.

Mặc dù chưa bắt buộc người nộp thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử, nhưng trước những tiện ích mang lại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang thay đổi từ hóa đơn giấy sang sử dụng hóa đơn điện tử. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 159 đơn vị sử dụng hóa đơn điện tử (số lượng doanh nghiệp vẫn sử dụng hóa đơn giấy còn 607 đơn vị). Con số này chưa phải là nhiều nhưng là minh chứng về lợi ích của hóa đơn điện tử mà doanh nghiệp đã nhìn thấy. Việc sử dụng hóa đơn điện tử không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp mà còn nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.

Ðể đảm bảo đến 1/7/2022, toàn bộ phải áp dụng hóa đơn điện tử, thời gian tới Cục Thuế tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử tới người nộp thuế. Các phòng chức năng và các chi cục thuế tăng cường rà soát, tổng hợp các vướng mắc trong quá trình triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, chủ động đề xuất các giải pháp, hướng dẫn xử lý thống nhất, đồng thời lên kế hoạch tập huấn và triển khai tới người nộp thuế trong thời gian sớm nhất.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top