Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Tăng thu ngân sách không chỉ trông chờ vào khai thác quỹ đất

08:59 - Thứ Tư, 19/05/2021 Lượt xem: 15013 In bài viết

ĐBP - Đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho ngân sách luôn là một trong những giải pháp trọng tâm giúp tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) hàng năm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đất đai là tài nguyên có hạn, nếu không có những giải pháp tìm nguồn thu mới bền vững hơn thì việc tăng thu NSNN trong những năm tiếp theo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Một khu đất đã được đấu giá tại bản Huổi Phạ, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ).

Nhìn vào thực tế thu ngân sách tại tỉnh ta những năm qua cho thấy khoản thu từ tiền sử dụng đất đều tăng theo từng năm. Năm 2018, các khoản thu từ đất (tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) chiếm 12% tổng dự toán thu cả năm); năm 2019 là 13,2%; năm 2020 là 14,8%. Năm 2021 dự toán HĐND-UBND tỉnh tiếp tục giao thu các khoản thu từ đất là 328 tỷ 500 triệu đồng (chiếm 25,7% dự toán). Thậm chí, tại huyện Điện Biên kế hoạch giao thu từ đất năm 2021 là 35 tỷ đồng, chiếm 32% tổng số thu được giao.

Khoản thu từ đấu giá đất chiếm không nhỏ trong tổng số thu ngân sách trên địa bàn. Cũng chính vì vậy, trong nhiều cuộc họp bàn về phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền, khi nói về thu ngân sách thường đề cao việc khai thác, tạo quỹ đất để tăng nguồn thu.

Trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thu thuế gặp nhiều khó khăn nên đến hết quý I/2021, tổng thu NSNN trên địa bàn chỉ đạt 24% kế hoạch năm Cục Thuế giao, 22,5% kế hoạch thành phố giao. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, nhiều giải pháp tăng nguồn thu đã được bàn thảo, kiến nghị, đề xuất. Trong đó, đấu giá đất nhằm tạo nguồn thu là một trong những giải pháp được thành phố chú trọng triển khai thông qua việc đẩy mạnh rà soát, thống kê, xác định những khu đất đáp ứng đủ điều kiện để đưa ra đấu giá.

Về mặt tích cực, việc đấu giá đất thành công và vượt kế hoạch sẽ đem lại cho ngân sách một nguồn thu đáng kể. Nhất là ở một tỉnh còn nhiều khó khăn thì các khoản thu từ đất không chỉ giúp đảm bảo việc hoàn thành dự toán thu NSNN được giao mà còn đảm bảo nguồn ngân sách thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất là khoản thu một lần và thiếu tính bền vững. Bởi theo quy định của Luật NSNN, khoản thu tiền sử dụng đất (trừ thu tiền sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý) là khoản thu thuộc ngân sách địa phương. Đây là khoản tiền mà người sử dụng đất/nhà phải nộp để có quyền sử dụng đất/sở hữu nhà. Như vậy, có thể hiểu khoản thu về nhà, đất càng tăng lên thì tài sản đất đai, nhà cửa thuộc sở hữu Nhà nước có xu hướng bị chuyển giao càng nhiều cho cá nhân, hộ gia đình và tổ chức kinh tế. Trong khi đó, đất đai là tài nguyên có hạn, không thể sinh thêm được, nguồn đất để đấu giá sẽ cạn dần. Như vậy, nếu thu ngân sách tăng từ những yếu tố không bền vững như thu từ đất đai thì không phải là điều đáng mừng.

Trên thực tế thu ngân sách có từ nhiều khoản như: Thu từ khu vực doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp địa phương, thu thuế ngoài quốc doanh, thu lệ phí trước bạ, thu phí và lệ phí, các khoản thu từ đất, thu thuế bảo vệ môi trường, thu thuế thu nhập cá nhân... Vì thế, việc phân tích để xác định nguồn thu nào là chính yếu, ổn định, nguồn thu nào mang tính ngắn hạn, không ổn định để có cơ cấu nguồn thu và đầu tư hợp lý là nhiệm vụ quan trọng. Giải pháp căn cơ, bền vững ngân sách vẫn là sự vận hành cơ chế, chính sách hướng đến tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư thêm dự án và nuôi dưỡng nguồn thu.

Trong trường hợp các khoản thu từ đất không hoàn thành dự toán được giao, Cục Thuế tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai đồng bộ, tích cực các giải pháp quản lý thuế nhằm phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN trong cân đối. Trong đó, tập trung tăng cường công tác quản lý đăng ký, kê khai thuế đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh. Thống kê, rà soát người nộp thuế có phát sinh số thuế phải nộp để đôn đốc thu nộp NSNN kịp thời. Triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý nợ, tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có số thu lớn, tiềm ẩn rủi ro về  trốn thuế, gian lận thuế. Đánh giá, phân tích cụ thể từng khu vực, sắc thuế, những nguồn thu còn tiềm năng... để triển khai các giải pháp phù hợp, thu kịp thời.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top